Quản lý đất đai tại lâm trường vào tầm ngắm
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu các địa phương và các Bộ, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc tăng cường quản lý, sử dụng rừng và đất rừng.
Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến đầu năm 2017, có khoảng 78% (11.258.730 ha) diện tích rừng của cả nước đã được giao; còn lại 22% (3.118.952 ha) hiện chưa được giao mà đang được quản lý với cấp UBND xã.
Phần diện tích 11.258.730 ha được giao cho 8 nhóm đối tượng sử dụng, bao gồm: ban quản lý rừng đặc dụng; ban quản lý rừng phòng hộ; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp ngoài quốc doanh; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng; đơn vị vũ trang và các tổ chức khác.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện giao đất, giao rừng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là, quá trình triển khai chưa tốt nên đã phát sinh một số hình thức mâu thuẫn về tranh chấp đất đai tại môt số địa phương; quy mô diện tích được giao nhỏ; tiến độ giao đất, thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp quyền sử dụng đất còn chậm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - ông Trương Thanh Tùng từng cho biết: Sau khi rà soát, sắp xếp lại các nông, lâm trường, mặc dù đã nắm hiện trạng để quản lý, nhưng diện tích đất quản lý, sử dụng của các tổ chức, hộ gia đình giữa thực tế và hồ sơ còn sai lệch lớn, nhiều diện tích chưa quản lý được.
Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mối quan hệ với các công ty lâm nghiệp đã ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp để cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi ký hợp đồng các đối tượng không chịu đầu tư mà chỉ chờ thời cơ để chuyển nhượng hợp đồng trái phép, thu lợi nhuận.
Chưa kể, một số dự án, khi cho các đơn vị thuê đất, hiện trạng trên đất thuê đã có nhiều diện tích dân lấn chiếm đang sử dụng sản xuất đất nông nghiệp (nguồn gốc đất phá rừng, mua bán đất lâm nghiệp trái phép) nhưng chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến tranh chấp gay gắt, hậu quả phức tạp, điển hình là vụ Công ty Long Sơn.
Diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng tương đối lớn (đất đã bị người dân lấn chiếm sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất nông nghiệp), nhưng chủ yếu theo số liệu trên sổ sách chưa đo đạc, lập bản đồ địa chính nên quản lý rất khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai.
Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng của các chủ rừng sau khi được giao, cho thuê rừng. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn kinh phí của địa phương và Trung ương để thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp hiệu quả.
Cùng với đó, tiến hành rà soát, đánh giá việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân); kiên quyết thu hồi những diện tích quản lý sử dụng không hiệu quả để tiếp tục giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng khác quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Đồng thời, xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mới đây ông đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng chủ trì một cuộc họp trong thời gian tới về quy hoạch sử dụng đất có nguồn gốc từ lâm trường trên cả nước, qua đó sẽ có những chính sách cụ thể hơn.
“Năm nay, Bộ cũng sẽ tập trung thanh, kiểm tra công tác quản lý đất đai tại các nông, lâm trường nhằm chỉ ra những sai sót, bất cập; qua đó sẽ đưa ra các giải pháp để khắc phục, chứ việc thanh tra không chỉ nhằm đưa ra sai phạm, xử lý… “ – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.