Ông Lê Quang Thưởng: Tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm quyền lợi nhiều người

Theo Kim Anh/VOV.VN 09/04/2018 15:12

Ông Lê Quang Thưởng cho rằng, tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Tuy nhiên, phải xem đây là cuộc cách mạng trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện.

4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức Trung ương về đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đang được dư luận quan tâm.

Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động là đòi hỏi tất yếu

Là người có nhiều năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là đòi hỏi tất yếu.

Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Theo quy định, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội độc lập về tổ chức và hoạt động. Về kinh phí, từ năm 1945, thời Bác Hồ còn lãnh đạo, không có chuyện đoàn thể ăn lương Nhà nước mà phải hoạt động, hội viên nộp kinh phí, vận động tài trợ để chi phí. Tuy nhiên, theo ông Thưởng, theo thời gian, dần dần Mặt trận và các đoàn thể này hoạt động như “tổ chức” Nhà nước, ăn lương Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu quả

    Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu quả

    10:09, 10/02/2018

  • Bộ Công Thương quyết tinh gọn bộ máy

    04:15, 01/02/2018

  • Tinh gọn bộ máy hành chính: Cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị

    18:50, 01/12/2017

  • Những lực cản cho tinh giản, tinh gọn!

    05:08, 02/11/2017

Trong 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tích, ưu điểm, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã bộc lộ những hạn chế yếu kém, bất cập; cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh bất hợp lý, kém hiệu quả, biên chế ngày càng phình ra và "ngốn" rất nhiều chi ngân sách nhà nước.

“Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là đúng, nhưng quan trọng là thực hiện thế nào. Dù phương án nào thì cũng phải thừa nhận Mặt trận và đoàn thể CT-XH có tính chất độc lập về tổ chức, phương thức hoạt động” – ông Lê Quang Thưởng nói và cho biết cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị, đoàn thể này theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, hoạt động thiết thực, hiệu quả đề cao tính tự chủ, chủ động thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người

Nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, rào cản lớn của vấn đề tinh gọn bộ máy chính là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Tuy nhiên phải xem đây là cuộc cách mạng trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện, triệt để, xóa bỏ những cái lạc hậu, cũ kỹ. Và chắc chắn, cuộc “cách mạng” đó phải có sự hy sinh, phải quyết tâm lớn thì mới thực hiện được.

Khi tinh giản bộ máy cũng tính đến việc giải quyết vấn đề dôi dư biên chế. Ngoài những biện pháp đưa đội ngũ dư thừa này vào các cơ quan cần thiết, theo ông Thưởng cũng nên khuyến khích họ tìm việc mới, có chế độ phụ cấp nhất định để họ có thể làm ăn bên ngoài hay đầu quân cho các tổ chức phù hợp với năng lực.

“Có một điều cần chú ý là không dùng các tên gọi như Cục, Vụ, Viện trong đoàn thể chính trị - xã hội, bởi đó là các danh xưng của tổ chức Nhà nước” – ông Lê Quang Thưởng cho biết thêm.

Đồng tình với đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hoạt động thiết thực, hiệu quả thì trách nhiệm của người đứng đầu sẽ tăng lên. Theo đó cần phải đặt vấn đề kiểm soát quyền lực chặt chẽ, tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả, thực chất.

Cấp trên kiểm soát cấp dưới; cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan giám sát quyền lực của thủ trưởng; nhân dân ở nơi đóng quân của các đơn vị, nhân dân ở nơi cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu sinh sống cũng sẽ giám sát họ.

“Không phải cán bộ khi được giao quyền lực thì muốn làm gì thì làm mà phải thực hiện theo luật pháp và chịu sự giám sát của các tổ chức và nhân dân” – ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.

Theo Kim Anh/VOV.VN