Nhiều dự án đội vốn vì… Luật

Thiên Bình 20/04/2018 11:53

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết những khó khăn, vướng mắc có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án và đưa vào sử dụng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, giai đoạn chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư gồm các hoạt động lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư.

Không thống nhất giữa các Luật

Có thể bạn quan tâm

  • Nảy sinh tình trạng tham nhũng thông qua việc đầu tư xây dựng

    Nảy sinh tình trạng tham nhũng thông qua việc đầu tư xây dựng

    10:07, 20/04/2018

Trong giai đoạn này, ghi nhận rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng. Chẳng hạn, quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm.

Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương cho cơ quan cấp dưới không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc xây dựng. Trong giai đoạn này, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư: Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, quy định về thời hạn chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa thống nhất gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư.

Riêng đối với đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành và địa phương.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chỉ ra những vướng mắc phát sinh liên quan đến tiêu chí phân loại, thẩm quyền quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình, dự án đầu tư công trong Luật Đầu tư công.

Đơn cử, trình tự lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý được quy định thành các quy trình khác nhau. Theo đó, quy định này làm tăng thủ tục hành chính, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án vì một dự án có thể có 3 cấp quyết định chủ trương đầu tư trong khi nội dung chủ trương đầu tư cũng chỉ gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện. 

Bộ này cũng chỉ ra sự chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành có liên quan; chưa có sự thống nhất giữa Luật Đầu tư Công, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về quy định Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, chưa có sự thống nhất giữa Luật Đầu tư Công và Luật Đất đai về các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư là nguyên nhân một số dự án đầu tư công liên quan đến hạ tầng bị đội vốn khi không ước tính đúng các kinh phí liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư.  

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, “nhiều đến mức độ không thể nhớ hết”. 

“Sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo”. Thủ tướng đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ.

Về giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định không còn phù hợp và đã được đánh giá tác động.  

Liên quan đến tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng cũng đề xuất củng cố, kiện toàn cơ quan chuyên môn về đầu tư xây dựng của các Bộ, ngành, địa phương đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xây dựng, công khai các quy trình, quy chế công tác, giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện. Phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời đối với các cán bộ công chức vi phạm đạo đức, kỷ luật công vụ, sách nhiễu, phiền hà, tham nhũng.

Thiên Bình