Vì sao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lùi tiến độ đến năm 2022?

Hằng Thy 22/04/2018 01:00

Có quá nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan được đưa ra để lý giải cho việc đường sắt Nhổn - ga Hà Nội phải lùi tiến độ đến năm 2022.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ nghiêm trọng. Ảnh: Dân trí

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ nghiêm trọng. Ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Cao Minh - Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB cho biết, về nguyên nhân chủ quan, năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án của Chủ đầu tư đối với các dự án lớn và phức tạp còn hạn chế; công tác quản lý hợp đồng với tư vấn Systra còn nhiều bất cập. Tư vấn Systra là tư vấn lớn nhiều kinh nghiệm về đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm vệ hệ thống quản lý, quy trình thủ tục ở Việt Nam, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Về nguyên nhân khách quan, ông Minh cho rằng, GPMB chậm, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng…

Về công tác giải ngân, ông Minh cho biết, năm 2017 MRB được giao giải ngân 1.641, tuy nhiên nhu cầu thi công thực tế cần đến 3.320 tỷ. Năm 2018 MRB được giao giải ngân 1.100 tỷ, nhưng nhu cầu thực tế là hơn 2.500 tỷ.

Được biết, thành phố đã chỉ đạo MRB yêu cầu nhà thầu, tư vấn điều chỉnh tổng tiến độ dự án. Thời gian kết thúc dự án kéo dài từ 21/12/2018 đến cuối năm 2022. Thành phố đã trình Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh tiến độ dự án.

Chia sẻ khó khăn Hà Nội gặp phải, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng để nghiên cứu các đề xuất của thành phố nhằm huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, từ kế hoạch giải ngân đã được lập, các đơn vị và Hà Nội cần rà soát lại kế hoạch sử dụng vốn cho từng thời điểm, từ đó có các đề xuất, kiến nghị để lãnh đạo Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. 

Tuy nhiên, đầu năm 2017 thành phố báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021. Tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng.

Hằng Thy