“Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ”
Những khuyết điểm, yếu kém của đội ngũ cán bộ đã hạn chế đến khả năng phát huy các tiềm năng, thế mạnh khi thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Khắc phục những hạn chế trên là nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của lãnh cán bộ cao cấp bị phanh phui và xử lý trong thời gian vừa qua cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao, một phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Lãnh đạo cao uy tín thấp
Có thể bạn quan tâm |
Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.
Tổng bí thư thẳng thắn nhìn nhận, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; đáng lưu ý là thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.
Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" trình Hội nghị Trung ương lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết các bất cập nói trên.
Đổi mới thực chất
Trên thực tế sau Nghị quyết số 03-NQ/TW, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành rất nhiều quyết sách liên quan đến công tác cán bộ. Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 42 về công tác quy hoạch cán bộ. Tại khoá XI (2011-2015), lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tức là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có tới 3 người được quy hoạch vào vị trí Tổng bí thư; hơn 30 người được quy hoạch vào Bộ Chính trị và trên 300 người được quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương. Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 90, trong đó đã đề ra các tiêu chuẩn chức danh cụ thể cho uỷ viên Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư; Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành quy định 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Điều này cho thấy, xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ xuyên suốt thường xuyên và luôn được quan tâm đặc biệt.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chính vì vậy, một trong những điểm mới của là Ban soạn thảo Đề án đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung Ương: Cán bộ cấp chiến lược phải đủ bản lĩnh, trình độ" Cán bộ cấp chiến lược phải là người có phẩm chất chính trị vững vàng, có tầm nhìn chiến lược, có tinh thần quyết đoán, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước phân công. Tiêu chí trong sạch và không có lợi ích nhóm cũng quan trọng, nhưng trước hết phải xem người cán bộ ấy có phải người có bản lĩnh chính trị không, có năng lực thực tiễn không, có tầm nhìn chiến lược không, sau đó mới xét đến các yếu tố khác. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc -nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Xử lý cán bộ không được nhẹ trên nặng dưới Một số cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý kỷ luật thời gian qua được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao, cho thấy không còn bất cứ vùng cấm nào. Tuy nhiên, xử lý cán bộ không phải là “đập” cho cán bộ đó tơi bời. Chúng ta kỷ luật để củng cố, đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nói như Tổng Bí thư, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, để người ta thấy được sai lầm mà sửa chữa, khắc phục, để Đảng được mạnh hơn. Trước kia, ta hay nói chung chung là tăng cường kỷ luật Đảng, nên hiệu quả chưa cao, bây giờ đã đưa ra được “khung” tương đối chi tiết, từ đó soi chiếu và đưa ra các hình thức phù hợp. Bây giờ, T.Ư đã quyết tâm với tinh thần “không được nhẹ trên, nặng dưới", bất kỳ ai nếu có khuyết điểm, sai phạm đều sẽ bị “phạt” như nhau. |