Chủ trương “Bí thư cấp ủy không là người địa phương”: Sẽ thực hiện ngay!
Đến năm 2020, cơ bản bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đến nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ thực hiện dứt điểm chủ trương này trên toàn quốc.
Đây là nội dung chính được Ban soạn thảo Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ cho biết tại Hội nghị Trung ương 7.
Có thể bạn quan tâm |
Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức cấp ủy các cấp phải nhanh chóng, kịp thời, quyết tâm cao độ, tham mưu cho cấp ủy các cấp, Bộ Chính trị, Ban thường vụ các tỉnh xem xét, đánh giá toàn thể đội ngũ cán bộ trong quy hoạch dự nguồn để xem xét, chuẩn bị nhân sự thật sớm chứ không phải đợi đến năm 2019-2020 mới bắt đầu xây dựng phương hướng công tác nhân sự, tiến hành bố trí, phân công.
Công việc này sẽ được tiến hành ngay sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, bắt tay ngay vào việc sắp xếp, tính toán phương án nhân sự. Có thể đến Đại hội sắp tới, có cán bộ vẫn được bầu ở địa phương nhưng sau Đại hội sẽ đi luân chuyển để thực hiện đúng chủ trương của Đảng.
Theo Ban soạn thảo, việc bố trí con người phải được thực hiện trên tinh thần xem xét, lựa chọn, bố trí chặt chẽ và quan trọng nhất là chọn đúng người, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đủ sức gánh vác nhiệm vụ khi được giao phó.
Theo tiêu chuẩn về cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, yêu cầu đặt ra là: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới. Như vậy, việc luân chuyển trở thành yêu cầu bắt buộc. Thứ hai, đã luân chuyển phải là cấp trưởng vì đó là cấp ra quyết định.
Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thực hiện việc bố trí các chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương. Các chức danh Phó Bí thư và Chủ tịch tỉnh thì trình Ban Bí thư. Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ bố trí Bí thư huyện không là người địa phương.
Đại diện Ban soạn thảo Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ cho biết: Hiện nay, nguồn quy hoạch tất cả các Tỉnh ủy, Thành ủy, các bộ, ban ngành đã có sẵn bởi chúng ta đã có quy hoạch Ban chấp hành Trung ương. Quan trọng nhất là đánh giá chính xác cán bộ và phải lựa chọn đúng cán bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Như vậy, vai trò tham mưu, thẩm định, khảo sát cán bộ là rất quan trọng.
Thảo luận tại Hội trường về nội dung này, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng đã ủng hộ giải pháp trên, cho rằng qua đó sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, tránh được sự ảnh hưởng từ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn.
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách, người từng có thời gian giữ chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, nếu Trung ương thông qua chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương thì sẽ là một sự "thay đổi lớn".
"Tất nhiên chúng ta từng có những lãnh đạo tỉnh là người nơi khác đến, nhưng nhìn chung lâu nay Bí thư cấp tỉnh thường là người địa phương, nếu không thì cũng phải có mối liên hệ nào đó, ví dụ từng đi luân chuyển hoặc trưởng thành từ địa phương để đảm bảo việc nhanh chóng nắm địa bàn. Chúng ta đều biết, người đứng đầu quyết định rất lớn đến cục diện phát triển của một tỉnh, thành, vì vậy đây là thay đổi đáng chú ý trong bố trí cán bộ cấp chiến lược", ông Vân phân tích.
Còn theo GS Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, truyền thống quan hệ gia đình, làng xã rất sâu đậm trong văn hóa người Việt. Mặt tích cực của văn hóa này là tình làng nghĩa xóm. Nhưng mặt trái nằm ở chỗ không rành mạch trong quan hệ xã hội, đôi khi quan hệ làng xóm, người thân làm ảnh hưởng đến công việc, vốn cần phải lấy pháp luật làm nguyên tắc tối thượng.
"Vì vậy, từ xa xưa, cha ông chúng ta đã có giải pháp là đặt ra lệ hồi tỵ. Theo đó, người đứng đầu một địa phương không được là người sinh ra, trưởng thành ở nơi đó, để họ tránh các mối quan hệ phức tạp nói trên, tránh đẩy họ vào tình thế khó khăn, mất bà con, bị oán trách bởi gia đình họ tộc làng xã. Nếu bây giờ chúng ta vận dụng kinh nghiệm này vào bố trí cán bộ cũng là sự kế thừa tốt", GS Giang nói.
Đồng ý với các quan điểm trên, Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, nếu bố trí bí thư, chủ tịch không phải người địa phương sẽ giảm tình trạng tứ "ệ", đặc biệt cái "ệ" thứ nhất là trực hệ, huyết thống mà lâu nay báo chí thường phản ánh là "cả nhà làm quan" ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, theo ông Vân, với ba cái "ệ" còn lại là "tiền tệ, quan hệ, đồ đệ" thì giải pháp trên chưa chắc đã hữu hiệu.