Vì sao VEPR dự báo tăng trưởng lạc quan?

Thy Hằng 10/05/2018 18:31

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, mức tăng trưởng năm 2018 nhiều khả năng vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đâu là lý do để VEPR nhận định như vậy?

Trong báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2018 vừa được công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng.

VEPR dự báo tăng trưởng lạc quan trong năm 2018.

Tăng trưởng lạc quan

Có thể bạn quan tâm

  • Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018

    Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018

    21:53, 08/05/2018

  • Tài chính khu vực công là thách thức lớn nhất cho tăng trưởng

    14:29, 08/05/2018

  • 2018 sẽ có thêm nhiều động lực tăng trưởng mới

    05:43, 03/05/2018

  • Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018-2020

    21:15, 20/04/2018

Trong đó với kịch bản thứ nhất, được cho là kịch bản lạc quan với mức tăng trưởng năm nay có thể đạt 6,83%. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, về mức lạm phát năm 2018 được nhận định là cũng không còn thấp như năm 2017, mà có thể ở mức 4,2%, cao hơn mục tiêu đề ra là 4%. 

Lý giải về kịch bản này, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR kịch bản này nhiều khả năng sẽ xảy ra và mức tăng trưởng 6,83% có được nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ. 

Đặc biệt, hàng loạt chỉ số kinh tế có mức tăng trưởng vượt bậc như sản xuất công nghiệp tăng 11,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, khu vực dịch vụ đạt mức tăng 6,7%... Và đặc biệt, sau nhiều năm chỉ tăng trưởng dưới 3%, thậm chí tăng trưởng âm như năm 2016 (-1,23%), khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 4,05%.

Về lạm phát, ông Nguyễn Đức Thành cho biết nguyên nhân là do các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát rất lớn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và khu vực ASEAN, dự báo sẽ tăng cao hơn năm 2017, cũng sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.

Còn trong kịch bản thứ hai, Viện trưởng VEPR nhận định, với điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và nội địa, tăng trưởng sẽ ở mức 6,49%, đạt xấp xỉ mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Với kịch bản này, do hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, nên lạm phát chỉ đạt mức 3,86%.

Ông Nguyễn Đức Thành lưu ý, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU cùng với xu hướng tăng giá năng lượng có thể làm cho đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá so với USD và Euro, đẩy giá hàng hoá nhập khẩu lên, góp phần gây áp lực cho lạm phát. Mặc dù vậy, việc đồng Việt Nam mất giá so với USD và Euro cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này...

Chính vì vậy, để kiềm chế lạm phát, nhóm nghiên cứu VEPR kiến nghị, các cơ quan điều hành sẽ cần phải theo sát diễn biến giá cả trong nửa sau của năm.

Thách thức từ khu vực công

Bên cạnh những dự báo tương đối lạc quan về kinh tế vĩ mô bởi những cải cách thể chế cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi, nhưng Viện trưởng VEPR cũng đưa ra nhiều vấn đề nội tại cố hữu đang là lực cản đối với nền kinh tế.

Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan theo tính toán từ Tổng cục thống kê. Vì vậy, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. 

Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.

Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước. 

"Thách thức lớn nhất là vấn đề liên quan tới tài chính khu vực công. Cụ thể là cải cách về chi tiêu và cân đối ngân sách, kiểm soát nợ công và sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hoá", ông Thành nói. 

Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn, cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới. 

Vì vậy, VEPR kiến nghị Việt Nam cần tuân thủ luật chơi khi tham gia vào các hiệp định thương mại, tránh đưa ra những chính sách vội vã, mang tính phản ứng, có thể mang đến những tác động tiêu cực đối với hợp tác thương mại dài hạn.

Thy Hằng