Hội nghị Trung ương 7 thông qua Nghị quyết về cải cách tiền lương

Thy Hằng - Đinh Thanh 12/05/2018 13:36

Hội nghị Trung ương 7 đã nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.

Sáng ngày 12/5, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về cải cách chính sách tiền lương và về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

thông qua

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về cải cách chính sách tiền lương và về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Động lực nâng cao năng suất lao động

Về vấn đề tiền lương, Trung ương đã đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương với nhiều nội dung mới, có tính cải cách, đột phá, khả thi cao. 

Theo đó, đối với khu vực công, thiết kế cơ bản cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. 

Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị...

Đối với khu vực doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế. Đồng thời bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ...

Có thể bạn quan tâm

  • Đề án cải cách tiền lương: Trả lại quyền cho doanh nghiệp!

    Đề án cải cách tiền lương: Trả lại quyền cho doanh nghiệp!

    05:14, 10/05/2018

  • Cải cách để tiền lương trở thành động lực phát triển bền vững

    10:10, 09/05/2018

Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý. Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành. Thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương...

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. 

Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Xem xét điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc độc lập tương đối với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, từng bước thực hiện đúng bản chất của từng lĩnh vực, phù hợp và bảo đảm tối đa quyền lợi của từng nhóm đối tượng. 

Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2004.

Chuyển giao dịch vụ công cho thị trường

Chia sẻ với DĐDN về vấn đề cải cách chính sách tiền lương, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI cho biết rất phấn khởi khi Trung ương có nghị quyết quan trọng về chính sách tiền lương. 

“Cải cách chính sách tiền lương sẽ tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

“Cải cách chính sách tiền lương sẽ tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cải cách chính sách tiền lương sẽ tạo động lực cho sự phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, việc thực hiện phải gắn liền và có tiền đề với việc tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước. Theo TS Vũ Tiến Lộc, để làm được điều này, phải tiến hành xác định lại chức năng cốt lõi của nhà nước.

“Các bộ ngành trung ương, các cơ quan Chính phủ nên tập trung vào nhiệm vụ chính là thể chế. Còn các dịch vụ công nên chuyển cho thị trường, cho các tổ chức xã hội. Bởi hiện các cơ quan nhà nước còn giữ khá nhiều dịch vụ công, nhiều nhiệm vụ mà không đích thực là chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Chính phủ”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Do đó, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, các cơ quan Chính phủ nên tập trung vào thể chế, các hoạt động công, các hoạt động thương mại đầu tư, phát triển cộng đồng...phải chuyển cho thị trường.

Cùng với đó, TS Vũ Tiến Lộc nhận định, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính cũng sẽ góp phần giải phóng được lực lượng lao động của nhà nước trong lĩnh vực này.

“Như vậy bằng việc chuyển giao dịch vụ công cho thị trường và cắt giảm thủ tục hành chính theo quy chuẩn, chuẩn mực mới của thế giới sẽ giúp cho bộ máy của nhà nước hiệu quả hơn, nâng lương được cho lao động trong khu vực nhà nước và làm việc hiệu quả hơn”, TS Vũ Tiến Lộc nói. 

Về vấn đề doanh nghiệp tự chủ tiền lương, TS Vũ Tiến Lộc nhận định đây là hướng đi quan trọng, trong thị trường có vấn đề thị trường lao động và tiền lương phải được căn cứ vào sản xuất kinh doanh. Tất cả các nước đều theo hướng này.

“Thị trường lao động sẽ tự phát đi những tín hiệu, thông tin chính xác về sự dịch chuyển lao động, xu hướng của tiền lương và mức tiền lương. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong thu hút lao động sẽ hình thành mức lương hợp lý của thị trường lao động”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Thy Hằng - Đinh Thanh