TP HCM: Đấu thầu các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức BT, PPP, BOT
Đã đến lúc phải xóa bỏ phương thức chỉ định nhà thầu theo hình thức BT, PPP, BOT đề hạn chế tiêu cực, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội.
Còn nhiều bất cập
Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Tổng Giám đốc Cty Bến Thành Land nhận định: Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT); Hợp tác công tư (PPP); Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... đã sử dụng được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số vấn đề bất cập. Cụ thể: Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tham gia thực hiện các gói thầu theo phương thức BT, PPP, BOT, trong đó xuất hiện những doanh nghiệp không chuyên ngành cũng tham gia, và chính điều này đã làm mất đi tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng tới chất lượng các công trình, xuất hiện tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội.
Cũng theo TS Trí, nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn và đã được bù đắp lại bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đô thị, góp phần quan trọng vào sự phát triển của TP là hết sức ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, đã phát sinh những mặt còn hạn chế, nhiều công trình BT, PPP, BOT được chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cũng như yếu kém về năng lực tài chính. "Đơn cử, nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm tỷ lệ khá thấp, còn lại đa số phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, mỹ quan đô thị là hoàn tòa có thể xảy ra" - TS Trí nói.
Đấu thầu “để củng cố lòng tin”
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm… Chính điều này làm giảm tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, và có thể gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Do vậy, việc thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, chỉnh trang phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP… kể cả các khu “đất vàng”, “để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội hạn chế “tiêu cực, lợi ích nhóm” là hết sức cần thiết và cấp bách”. – ông Châu nhấn mạnh.