Vụ Thủ Thiêm là vấn đề bức xúc của cử tri
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh như vậy và kiến nghị đưa vấn đề Thủ Thiêm vào báo cáo để trình ra Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét dự thảo Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 (dự kiến diễn ra từ ngày 21/5 – 14/6).
Cơ quan chức năng tổng hợp được hơn 3.000 ý kiến của nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội; trên 2.300 kiến nghị phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Góp ý vào dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, một nội dung rất nóng được cử tri, dư luận quan tâm và đoàn ĐBQH TPHCM nói đến nhiều, nhưng lại không thấy trong dự thảo, đó là vấn đề ở Thủ Thiêm. “Đây là vấn đề bức xúc mà cử tri đã khiếu nại nhiều qua năm, cần phải được đề cập trong báo cáo trình Quốc hội” – ông Lưu nêu quan điểm.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, nội dung về quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường có nêu, "cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch".
Cũng theo dự thảo này, "công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường đối thoại, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nhân dân".
Có thể bạn quan tâm
Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân Thủ Thiêm
19:54, 15/05/2018
Từ Thủ Thiêm nhớ bài học cổ nhân
12:13, 11/05/2018
TP HCM: Cử tri Quận 2 đề nghị thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm
19:21, 09/05/2018
Cùng ngày diễn ra buổi xem xét dự thảo này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM để bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 367/TTg năm 1996. Dự án này đã điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ nhất quán với chủ trương đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định, theo đề nghị của TPHCM là mong muốn xây dựng một Khu đô thị hiện đại, là một công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của Thành phố. Dự án này có diện tích đất thu hồi rất lớn liên quan đến hàng ngàn hộ dân.
Với nỗ lực của TPHCM và sự ủng hộ tích cực của người dân, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã đạt 99%. Chúng ta đánh giá cao những người dân vì mục tiêu phát triển của Thành phố, đã di dời, bàn giao nhà đất để triển khai dự án. Cần nhận thức việc này để thấy rõ trách nhiệm phải lo cho cuộc sống của người dân, không để người dân vì dành đất cho dự án phục vụ sự phát triển của Thành phố mà phải chịu cuộc sống khó khăn.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ, giải quyết khiếu nại… dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc kéo dài. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành liên quan, trước hết là chính quyền các cấp của Thành phố.
Về quan điểm giải quyết, Thủ tướng nêu rõ: “Việc giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của Thành phố, vì cuộc sống của người dân.
Quá trình giải quyết phải kiểm tra làm rõ các tình tiết vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi thống nhất tạo đồng thuận về hướng giải quyết. Nếu có thiếu sót thì phải khắc phục; phải xác định rõ thời gian, lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Trường hợp người dân khiếu nại gặp khó khăn, cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp”.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tiến hành rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018. Yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp và UBND TPHCM có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại.
Thủ tướng yêu cầu UBND TPHCM khẩn trương rà soát, giải quyết các khiếu kiện của người dân; thực hiện ngay các chính sách phù hợp đối với người dân, nhất là những người đã bàn giao đất mà chưa nhận nhà tái định cư hoặc bị cưỡng chế mà chưa có chỗ ở thì phải có ngay các giải pháp cần thiết để lo cho người dân, không để người dân quá khó khăn trong cuộc sống.