Gỡ khó nhà ở cho công nhân
Nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất lớn trong khi con số nhà ở hoàn thành chẳng thấm vào đâu so với thực tế.
Theo Bộ Xây dựng, số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu mét vuông nhà ở. Trong khi đó, thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
Tính đến nay mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, hiện mới chỉ đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu cho công nhân ở các KCN là rất lớn.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Nguyễn Mạnh Hà chỉ rõ nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chưa được như kỳ vọng là do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng tại vị trí thuận lợi. Nhiều khu công nghiệp hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Mặt khác, đầu tư nhà ở cho công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay để đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.
Trên thực tế, một số cơ chế ưu đãi như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương... chưa được quan tâm đúng mức. Mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Mặc dù đã có các quy định liên quan đến việc đơn giản hóa và rút gọn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư cũng như thủ tục chấp thuận đầu tư, cho phép chuyển đổi cơ cấu dự án… nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án mới cũng như thực hiện việc chuyển đổi, cơ cấu lại dự án.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án, kể cả các hộ gia đình cá nhân tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân đều được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho công nhân; được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc được bù lãi suất theo quy định; được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (hoặc trong hàng rào) dự án...
Ngoài ra, Nghị định 188 cũng đã bổ sung quy định công nhân, người lao động tại khu công nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thay vì chỉ được thuê như những các quy định trước.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng cho rằng cần đẩy mạnh việc phát triển và tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung.
"Trước mắt sẽ thống kê lại quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội ở các dự án bất động sản, cũng như ở các quỹ đất mà Nhà nước đang quản lý mà sử dụng không hiệu quả, dành đất đó để làm nhà ở xã hội cho công nhân. Phải nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước những khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ cũng đã có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp xây nhà ở công nhân. Trong đó, quan tâm nhất đến vấn đề bổ sung cơ chế, chính sách cho vay và sử dụng vốn ODA theo hướng bổ sung lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân KCN là lĩnh vực được ưu tiên vay. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân KCN vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.