Đại biểu Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh các dự án vượt định mức đầu tư
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận sáng nay (25/5), các đại biểu Quốc hội đã góp ý về vấn đề lãng phí trong thực hiện ngân sách, đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất giải pháp hạn chế lãng phí trong thực hiện các chính sách mà Quốc hội đã ban hành. Sự chậm trễ trong thực thi đã làm lãng phí nguồn lực, ngân sách.
Ví dụ chưa thực hiện đấu giá biển số xe công, nếu thực hiện hàng năm có thể thu về ngân sách khoảng 5.000 tỷ đồng khi tiến hành khoảng 12% biển số xe đẹp. Song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% biển số xe đẹp. Ngoài ra, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách.
"Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí", Đại biểu Cảnh nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.
“Đó là một ví dụ rõ ràng về việc nhiều chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều luật chậm đi vào cuộc sống đã gây lãng phí. Ví dụ luật trưng cầu ý dân đến nay vẫn chưa làm được, nếu có sẽ tập hợp được sáng kiến, trí tuệ, sáng tạo của toàn dân cho sự phát triển”, Đại biểu Cảnh nói.
Có thể bạn quan tâm
Đề nghị bổ sung “đầu tư xây dựng quy hoạch” vào lĩnh vực đầu tư công
18:04, 23/05/2018
Đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng
14:45, 22/05/2018
Cơ cấu lại đầu tư công
16:03, 17/01/2018
Thủ tướng phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công
11:29, 17/01/2018
Đóng góp ý kiến về vấn đề đầu tư công, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng có một số ý kiến cần Quốc hội xem xét. Đó là, tại địa phương còn phát sinh nợ xây dựng cơ bản và theo thống kê của Kiểm toán Nhà nước thì đến 2017 đã phát sinh nợ là 14.400 tỷ đồng. "Chúng tôi mong muốn Chính phủ có rà soát, điều chỉnh để lần sau chúng ta không có các trường hợp phát sinh như vậy". - đại biểu Mai nói.
Liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách, theo đại biểu Mai, "năm 2017 bên cạnh các vấn đề sử dụng nguồn lực đầu tư thì chuyển nguồn cũng là vấn đề tôi khá quan tâm. Con số chuyển nguồn trong năm 2017 là 97587 tỷ đồng – cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì đây cũng có thể coi là một khoản lãng phí. Chính vì vậy, tôi đề nghị trong quá trình sửa đổi luật đầu tư công, chúng ta cũng nên đưa vấn đề này vào theo hướng thu hẹp phạm vi xuống, đảm bảo kế hoạch".
Một vấn đề khác liên quan đến thời hạn giải ngân cũng cần quan tâm, đó là vốn xây dựng cơ bản, theo vị đại biểu này, những năm gần đây có những thời điểm chúng ta giải ngân rất khó khăn mà cụ thể là vốn trái phiếu CP năm 2017 chỉ giải ngân được trên 40%. “Chúng tôi nghĩ rằng có một nguyên nhân đó là luật đầu tư công cho phép kéo dài thời hạn giải ngân trong giai đoạn 5 năm, đây cũng là vấn đề chúng tôi mong muốn được sửa đổi trong luật đầu tư công tới đây”, đại biểu Mai nói.
Một trục trặc khác nữa, liên quan tới tình trạng vượt định mức đầu tư. "Theo Luật Đầu tư công thì vượt định mức đầu tư là không cho phép, tuy nhiên qua giám sát thực tế thì chúng tôi cũng thấy rằng chất lượng thực tế tại một số dự án chưa đạt yêu cầu do năng lực tư vấn còn hạn chế dẫn tới tình trạng nhiều dự án vượt định mức đầu tư. Tới đây, Quốc hội cần xem xét lại một số dự án, trong đó có những dự án nổi bật như Bến Thành Suối Tiên, Bến Thành… Chúng tôi mong muốn các tình trạng này sẽ được trấn chỉnh, xử lý". - đại biểu Mai bày tỏ mong muốn.
Bà Mai cũng đề cập đến vấn đề tiếp cận, xử lý và giải quyết đơn thư. "Đây là điều mà khiến chúng tôi cũng còn nhiều trăn trở, khi vận động tranh cử các đại biểu quốc hội đều có lời hứa trước người dân đó là sẽ tiếp thu, lắng nghe, giải quyết kiến nghị từ cử tri, tuy nhiên để giải quyết được những vấn đề này lại còn nhiều hạn chế, nhiều đơn thư chưa được giải quyết…" - bà Mai nhấn mạnh.