Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển,12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận sau 3 buổi thảo luận tại hội trường về KT-XH và ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, không khí thảo luận khá thẳng thắn, có chiều sâu, có tính tranh luận và phản biện cao, ít nội dung trùng lắp. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp tích cực để phát triển kinh tế-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2018.
Trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến đều đánh giá cao sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo đà cho phát triển trong năm 2018 mà biểu hiện rõ rất là quý I đã có sự tăng trưởng cao.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2019: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%
09:16, 25/05/2018
[Video] Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: GDP quý I/2018 rất cao nhưng cả năm có thể giảm dần
12:03, 21/05/2018
Chính phủ quyết kéo giảm khoản chi phí chiếm 21% GDP - chi phí logistics
08:18, 16/04/2018
12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% trong khi kế hoạch là 4%; xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...
Với đà tăng của năm 2017, 4 tháng đầu năm 2018 kinh tế xã hội đã đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, mức cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.
Trong 4 tháng có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 hoạt động trở lại với tổng vốn đăng ký, bổ sung đạt hơn 1,16 triệu tỷ đồng. Nợ xấu được kiểm soát mức 2,18% đến cuối tháng 3.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ còn nhiều vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục dành thời gian, nguồn lực và tập trung khắc phục như kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc; mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; cân đối ngân sách Trung ương khó khăn...
Những tồn tại hạn chế nêu do nhiều nguyên nhân, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan từ hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và một nguyên nhân rất quan trọng là mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chưa chuyển mạnh sang chiều sâu gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Trước những thách thức, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó đầu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo chính sách cho người có công; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.
Còn nhiều trăn trở
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường sáng 26/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ sự đồng tình với phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” mà Chính phủ đề ra, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu. Theo đại biểu, đây là quan điểm hợp lý vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa nhiệm đa năng mà nếu không kỷ cương trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.
Chính phủ là cơ quan phải chịu trách nhiệm với sự giàu mạnh hay nghèo yếu của đất nước, sự hạnh phúc của nhân dân, sẽ không thể trụ vững trước những đòi hỏi của xã hội, của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng… nếu không giữ được kỷ cương.
Đại biểu mong Chính phủ tiếp tục phương châm hành động và kiên quyết bám theo 10 chữ vàng đã đề ra. Đó là định hướng cho hành động và là bảo bối của thành công.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội lại bày tỏ, đất nước có 53,7 triệu lao động đang làm việc nhưng 70% là đang làm việc trong khu vực phi kết cấu (khu vực không có quan hệ lao động, dễ rủi ro cho người lao động). Trong đó tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 - 3/4 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ chiếm 7,5%.
"Lao động Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết. Vì thế, phải tập trung giải pháp nâng cao trình độ, chuyển dịch cơ cấu từ ngành có năng suất thấp sang cao; đồng bộ giải pháp tăng năng suất lao động”, ĐB Lợi nói.
Tương tự, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phản ánh, sẽ không công bằng khi chúng ta mãi đổ lỗi cho người nông dân vì lợi ích trước mắt mà sản xuất thiếu kế hoạch dẫn đến sản phầm dư thừa, cung vượt cầu, sản xuất không đáp ứng được thị trường, chúng ta nên có thái độ tích cực hơn đó là CP, các ngành, các cấp ngành nông nghiệp cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước cư dân là định hướng, kết nối, hỗ trợ tích cực cho nông dân trong làm ăn kinh tế, không để cho người nông dân bươn trải trong vòng luẩn quẩn trên.
“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã phân tích những yếu kém của ngành nông nghiệp trước QH, cử tri nông dân mong muốn toàn ngành nông nghiệp cần chủ động vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và gần dân hơn nữa, xem việc của dân cũng như việc của mình để tập trung xây dựng hệ thống chính sách, quy định, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân khi tham gia chuỗi giá trị; tư vấn pháp lý, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng các chế tài để bảo vệ quyền lơi hợp pháp cho người nông dân”, ĐB Thắng nói.
Về năng suất lao động, ĐB cũng đồng thời đánh giá cao ý kiến của ĐB So (tỉnh Bắc Ninh) về việc năng suất lao động năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 – 2017 đã tăng 4,7%/năm.
Măc dù năng suất lao động của Việt Nam có cải thiện đáng kể qua từng năm, tuy nhiên tính theo sức mua tương đương năm 2011, năn suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 72% của Singapore, 18,4% của Mailaysia, , 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippin và 93,2% của Lào.
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến năng suất lao động của Việt Nam rất thấp ngay với các nước trong khu vực Asean, là do tăng trưởng chủ yếu dựa vào triển vọng, chủ yếu tăng vốn đầu tư và tăng lao động trong khi đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn rất thấp, năm 2017 đạt 45,9%.
“Vậy lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0 này, sẽ là quá muộn cho sân chơi kinh tế mà ở đó luật chơi không dành cho những người không có sự chuẩn bị tâm thế của người trong cuộc”, ĐB Thắng trăn trở.
Được biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp, chuyển cho Chính phủ tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện.