Sinh viên cần chủ động, sáng tạo trước bối cảnh hội nhập
Trao đổi cùng phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội chiều nay (29/5), ông Hoàng Văn Cường (đại biểu Hà Nội) đã nhấn mạnh vấn đề trên.
Thực trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm cũng đã từng được Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 26/5.
Theo Bộ trưởng Dung, thị trường lao động của nước ta chưa đồng bộ, thiếu nhân lực quản lý, chất lương cao, chủ yếu lao động phổ thông. Đặc biệt tỷ lệ thanh niên sinh viên ra trường thất nghiệp cao, riêng năm 2017 tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 7% với trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí
10:40, 29/05/2018
Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”
11:52, 29/05/2018
Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu
10:20, 29/05/2018
Cảm ơn quyết định thu hồi đề án của Bộ trưởng Giáo dục!
11:00, 25/05/2018
Không để “ăn đong” đề án trong giáo dục
06:00, 25/05/2018
- Trước thực trạng hiện nay phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều làm công việc trái chuyên môn hoặc không tìm được việc làm. Ông có bình luận gì về thực trạng này?
Chúng ta cần phải nghiên cứu vì sao phần lớn sinh viên ra trường lại không đáp ứng được công việc. Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo hiện nay, tất cả các trường đều phải có công bố thông tin “3 công khai” trên các trang mạng của các trường, trong đó có thông tin số lượng sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp là bao nhiêu %. Con số này hiện nay rất khác nhau giữa các cơ sở đào tạo, ví dụ ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm là khoảng trên 97%, điều đó chứng tỏ có nhiều sinh viên ra trường là đã có thể thích ứng được ngay công việc.
Tuy nhiên, vẫn có một số sinh viên ở một số trường thậm chí ở cả các trường tốt vẫn chưa thể đáp ứng được ngay những yêu cầu công việc thực tiễn.
Theo tôi có hai lý do. Một là các chương trình đào tạo của các trường có thể chưa đi sát với yêu cầu về công việc, kỹ năng nghề nghiệp của các cơ sở sử dụng lao động. Có thể do mục tiêu đào tạo của các trường khác nhau. Những chương trình đào tạo thực hành sẽ bám rất sát kỹ năng thực hành và nghiệp vụ, khi sinh viên ra trường có thể sẽ làm việc và thao tác nghiệp vụ được ngay. Những chương trình đào tạo mang định hướng nghiên cứu thì những kỹ năng thực hành ngay sẽ chưa quen trong thời gian đầu nhưng nền tảng về kiến thức nghề nghiệp thì họ lại trang bị tốt và sau khoảng một vài năm thì sinh viên có khả năng đảm nhận công việc đó một cách tự chủ.
Hai là do chương trình đào tạo của một số trường không bám sát thực tế, đặc biệt chương trình đào tạo được thiết kế không phải được đánh giá từ nhu cầu của doanh nghiệpvà các đơn bị sử dụng lao động mà họ lại dựa vào kinh nghiệm, năng lực mà bản thân trường đó có. Với các chương trình dạng như thế, rất dễ các sinh viên khi tốt nghiệp sẽ rất khó thích ứng với thực tế yêu cầu của việc làm.
- Vậy theo ông giải pháp của vấn đề này là gì?
Như chúng ta đã biết, Luật Giáo dục hiện nay đã đặt ra yêu cầu khi các trường xây dựng chương trình đào tạo phải bám sát với yêu cầu công việc của thực tiễn, nghĩa là phải điều tra khảo sát xem doanh nghiệp yêu cầu gì để từ đó thiết kế chương trình đào tạo cho phù hợp. Bản thân giảng viên tại các trường đại học cũng có nhiệm vụ hoạt động thực tiễn để biết các cơ quan họ cần những gì, từ những yêu cầu thực tiễn đó, khi giảng dạy giáo viên phải lồng ghép vào.
Ngoài ra, còn có một điều nữa mà chúng ta cũng đang định hướng đó là phải gắn hoạt động đào tạo tại các trường với các doanh nghiệp. Trong việc này, theo tôi các trường cần có trách nhiệm chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp để kết nối, tạo các cơ hội cho sinh viên tìm hiểu thực tế trước khi ra trường.
Tuy nhiên, có lẽ nhận thức của các doanh nghiệp và người sử dụng lao động hiện nay vẫn chưa được đầy đủ, nên có tình trạng nhiều sinh viên muốn đến các cơ sở đó để có điều kiện thực tập và thực hành đang rất khó khăn vì có vẻ việc nhận các sinh viên đó không mang lại hiệu quả về công việc, nhiều khi họ còn mất thời gian để hướng dẫn, hoặc ảnh hưởng đến vị trí văn phòng ngồi làm việc.
Trong khi đó, các cơ sở này lại muốn tuyển dụng những sinh viên sau khi ra trường phải có khả năng tiếp ứng công việc ngay. Đó chính là những nghịch lý mà chính bản thân các doanh nghiệp sử dụng lao động đã không nhìn thấy.
- Trước thời đại công nghệ 4.0 và xu hướng hội nhập như hiện nay, theo ông, bản thân sinh viên cần phải làm gì để chuẩn bị cho mình một hành trang tốt nhất có thể đáp ứng không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài?
Rõ ràng trong thời buổi mà công việc thay đổi rất nhiều như hiện nay, các trường không thể đào tạo được tất cả các kỹ năng, các yêu cầu từ công việc trong thực tế bởi quá trình phát triển luôn đổi mới và đòi hỏi phải phát triển cao hơn. Chính vì vậy, chương trình đào tạo trong nhà trường chỉ là đào tạo ra nền tảng, đào tạo các kiến thức rất cơ bản, cốt lõi. Sinh viên sau khi học được những kiến thức cơ bản đó phải biết vận dụng sáng tạo để thích ứng với sự thay đổi của công việc trong thực tế. Đặc biệt trong thời đại 4.0 như hiện nay, tất cả các kiến thức trong sách vở, văn bản và các giáo trình đều không thể nói hết được mà chỉ có trải nghiệm trong cuộc sống chính sinh viên đối diện sẽ khiến sinh viên phải biết vận dụng sáng tạo để phát triển.
Nếu sinh viên nào thích ứng được tốt, tôi tin rằng các bạn sẽ đáp ứng được nhu cầu không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, để tiếp cận việc làm trong bối cảnh hội nhập với môi trường mở như hiện nay thì yêu cầu bắt buộc đối người học đó là ngoại ngữ. Do đó các trường đại học hiện nay, song song với quá trình đào tạo các môn chuyên ngành thì cũng cần coi trọng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên.
- Xin cảm ơn ông!