Chất vấn tại Kỳ họp thứ 5: Đại biểu quan tâm lĩnh vực nào nhất?
Bộ trưởng các Bộ: Giao thông, Tài nguyên - Môi trường, Giáo dục- Đào tạo và LĐ-TB-XH sẽ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, dự kiến diễn ra từ 4-6/6/2018.
Bên hành lang Quốc hội, DĐDN đã có cuộc trao đổi với các ĐBQH về những lĩnh vực đang được dư luận và xã hội quan tâm tại phiên chất vấn tới đây.
Vấn đề giáo dục luôn “sát sườn” với mỗi gia đình
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chọn ra 4 lĩnh vực để chất vấn, đều là những lĩnh vực được các ĐBQH và cử tri quan tâm. Từ lĩnh vực liên quan đến ngành giao thông vận tải như quản lý các công trình BOT đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đây là 2 dự án luật nhận được sự quan tâm rất nhiều của xã hội. Vấn đề nữa cũng được dư luận quan tâm là vấn đề việc làm. Cuối cùng là nhóm vấn đề liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường.
Theo tôi, đây là những vấn đề rất nóng, từ các nhiệm kỳ trước đã được ĐBQH và cử tri quan tâm. Cá nhân tôi đánh giá, đây là những vấn đề cần được làm rõ, trao đổi, thảo luận giữa các ĐBQH cũng như giữa các ĐBQH với các thành viên Chính phủ để cùng đi đến một sự thống nhất về mặt nhận thức, đánh giá vấn đề, chủ trương và giải pháp.
Tôi quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục, chúng ta đang trong quá trình cải cách giáo dục, cho nên nhu cầu và yêu cầu đổi mới một cách toàn diện, căn bản là rất cần thiết. Trên thực tế cũng đặt ra rất nhiều việc chúng ta cần phải làm, cần phải điều chỉnh từ pháp luật đến văn bản dưới luật, đến việc tổ chức thực hiện từ cấp trung ương đến địa phương để làm sao thay đổi được cả nhận thức từ cấp cơ quan quản lý đến mỗi người dân và toàn xã hội.
Chúng ta cần nhận thức lại vấn đề giáo dục và giáo dục đại học ở nước ta để có bước chuyển mới nhằm xây dựng nền tảng giáo dục trên tinh thần đổi mới toàn diện. Theo tôi, đây là vấn đề các ĐBQH và cử tri rất quan tâm, “sát sườn” với cuộc sống mỗi gia đình, con em chúng ta.
Tại phiên chất vấn các Bộ trưởng kỳ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Thủ tướng để làm rõ thêm một số vấn đề, theo tôi những vấn đề liên quan đến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là tài chính ngân sách, chương trình dự án, quản lý điều hành kinh tế vĩ mô. Theo tôi, đây cũng là mảng rất quan trọng, vì hiện nay chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế và ngân sách n để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên, tôi nghĩ đây cũng là vấn đề các đại biểu quan tâm trong các câu hỏi đặt ra với Phó Thủ tướng.
Cá nhân tôi quan tâm đến phân bổ ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia cũng như các địa phương. Vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách thực hiện các chương trình liên quan đến vùng đồng bào miền núi dân tộc. Có thể nói, thời gian qua mặc dù chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này tương đối nhiều nhưng trên thực tế việc phân bổ ngân sách cho thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một trở ngại cho việc đặt ra mục tiêu, hiệu quả đối với việc thực hiện chính sách dân tộc. Những vấn đè này theo tôi các đại biểu miền núi và vùng dân tộc cũng sẽ quan tâm.
“Chọn” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là một sự cần thiết
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Cá nhân tôi quan tâm nhất đến vấn đề giáo dục. Như chúng ta đã chứng kiến, gần đây có rất nhiều sự vụ, sự việc được đưa lên các phương tiên thông tin đại chúng, gây ra nhiều bức xúc và lo lắng cho xã hội. Việc ĐBQH chọn và đề xuất Bộ trưởng Bộ giáo dục trả lời lần này là một sự cần thiết, Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm được giải trình trước đại biểu và đồng bào về những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của mình và thực trạng ngành giáo dục đã diễn ra trong thời gian vừa qua.
Lĩnh vực nào cũng “nóng”
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Từng vấn đề tôi có sự quan tâm riêng. Đơn cử, như ngành giao thông trong mấy ngày vừa qua đã xảy ra liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt rất nghiêm trọng. Hay với câu chuyện BOT, tai nạn giao thông ở các loại hình khác, mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao, hạ tầng giao thông còn hạn chế; tiến độ xây dựng sân bay Long Thành và các tuyến đường trọng điểm cũng chậm tiến độ. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm.
Với Bộ Tài nguyên Môi trường cũng có những vấn đề cử tri quan tâm, ví dụ như việc quản lý đất đai, sau giám sát của Quốc hội thời gian gần đây thì khiếu kiện về đất đai không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng, tỷ lệ các vụ khiếu kiện về đất đai trong số các đơn thư khiếu nại, tố cáo còn có dấu hiệu gia tăng; việc quản lý đất đai tại các khu đô thị, phát triển hạ tầng giao thông tại các đô thị, vấn đề ô nhiễm môi trường, các khu công nghiệp, chống biến đổi khí hậu… cũng là những vấn đề cử tri rất quan tâm.
Với giáo dục bao giờ xã hội cũng quan tâm, đây là lĩnh vực liên quan rất nhiều đến hàng chục triệu học sinh, sinh viên và đi sau đó là hàng chục triệu gia đình. Đặc biệt, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến về 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; hay việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình SGK mới. Một số hiện tượng lo ngại về đạo đức xã hội tác động vào nhà trường như mối quan hệ giữa thầy và trò, trò với thầy, giữa phụ huynh và học sinh, giữa phụ huynh với nhà trường... là những vấn đề nóng. Vấn đề nữa cử tri cũng rất quan tâm là việc Bộ giáo dục tiếp tục đổi mới về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia, đại học...
Với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc giải quyết chính sách liên quan đến an sinh xã hội là vấn đề mang tính thường xuyên, cử tri cũng quan tâm nhiều. Với chức năng quản lý nhà nước của Bộ liên quan đến giáo dục nghề nghiệp như định hướng, phân luồng và thu hút như thế nào với đội ngũ học viên vào các trường nghề, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề nghiệp như thế nào, bố trí sắp xếp đội ngũ lao động liên quan đến nguồn nhân lực quốc gia như thế nào... là nội dung cử tri rất quan tâm.
Tôi nêu ra một vài ví dụ để thấy lĩnh vực nào cũng có điểm nóng, không phải chỉ có tôi mà nhiều đại biểu khác sẽ tùy tình hình cụ thể từng phiên chất vấn như có đăng ký được hay không, số lượng đại biểu quan tâm như thế nào...thì tôi sẽ có chất vấn và truyền tải tiếng nói và sự quan tâm của cử tri tới nghị trường Quốc hội.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Tôi quan tâm đến 2 vấn đề. Thứ nhất, với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, hiện nay chúng ta đang hội nhập, đặc biệt với cách mạng 4.0 thì nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định đến phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong số liệu báo cáo của Chính phủ, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng tăng lên. Mặc dù Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp nhưng tôi nhận thấy chưa thực sự hiệu quả. Tôi mong muốn 2 Bộ này phối hợp trả lời trước cử tri vấn đề này, vì qua tiếp xúc tôi thấy cử tri rất quan tâm.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua giám sát của Quốc hội trong vấn đề cổ phần hóa, đặc biệt là vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tôi mong rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần trả lời trước cử tri về vấn đề còn nhiều khe hở về quản lý đất đai đã gây ra nhiều thất thoát tài sản nhà nước. Bộ sẽ có giải pháp gì đề nghị Chính phủ cũng như trình Quốc hội nhằm tháo gỡ thế chế cũng như những quy định hiện nay để quản lý chặt chẽ hơn.