Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải vì sao Hàn Quốc cấm lao động Việt Nam

Vân Du 05/06/2018 14:17

Tại một số thị trường tiềm năng, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không chịu về nước lại rất cao, đặc biệt là Hàn Quốc.

Tại phiên chất vấn sáng 5/6, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay, số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đông, góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho gia đình người lao động.

Tuy nhiên, lao động xuất khẩu của nước ta chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập thấp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, đem con bỏ chợ, khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ, quay về nước thì mang công mắc nợ, đã nghèo lại nghèo thêm.

Mặt khác, ở một số thị trường lao động tốt lại có hiện tượng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc ở công ty đã ký hợp đồng ra làm cho công ty khác, hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp, làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hợp tác lao động của nước ta với những nước này.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này thế này, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này” – đại biểu Kim Thúy đặt câu hỏi chất vấn.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục nghề nghiệp: Làm gì để tạo đột phá?

    14:00, 05/06/2018

  • Đại biểu Dương Trung Quốc: "Môi trường đầu tư là quan trọng nhất"

    10:37, 05/06/2018

  • Đại biểu Quốc hội “đòi” lại bờ biển cho dân

    09:54, 05/06/2018

  • Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: "Nóng" các vấn đề liên quan BOT

    08:12, 04/06/2018

Trả lời vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, xuất khẩu hay nói cách khác là đưa người lao động Việt Nam đi lao động và làm việc ở nước ngoài là một chủ trương của Đảng và Nhà nước. Điều này đã được cụ thể bằng luật pháp và đặc biệt trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho thanh niên, chúng ta đặt ra mục tiêu là phấn đấu có khoảng 1 triệu thanh niên và người lao động được đi lao động, học tập ở nước ngoài.

Cho đến nay chúng ta có khoảng 500 ngàn hiện nay đang lao động ở nước ngoài. Số này gần đây tăng lên, đặc biệt năm 2017 chúng ta đưa được 134 ngàn bằng 128% so với chỉ tiêu đặt ra.

“Điều quan trọng là mấy thị trường tiềm năng mà những năm trước đây khó khăn như Hàn Quốc sau năm 1945 gián đoạn, chúng ta đã nối lại được bằng sự thuyết phục, bằng hiệu quả công việc của chúng ta. Lần đầu tiên chúng ta ký cấp quốc gia về quan hệ lao động với Nhật Bản mà cũng là nước duy nhất Nhật Bản ký hiệp định về lao động cấp quốc gia. Có thể thấy rằng điều đó đem lại lợi ích rất lớn, 1 năm giải quyết hơn 100 ngàn lao động và bình quân thu về xấp xỉ 3 tỷ đô. Tỉnh cao nhất hiện nay là 250 triệu đôla/năm, đó là tỉnh Nghệ An”. – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, một số thị trường của chúng ta tiềm năng, có thu nhập cao, tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước thì cao, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, năm cao nhất là 55%, trong khi đó bình quân các nước là 15%.

“Vì lý do này nên Hàn Quốc 4 năm đã không ký lại bản ghi nhớ với chúng ta”. – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vừa qua Chính phủ đã có một quyết tâm rất cao, đã tập trung các giải pháp như ký quỹ cho tổ chức ký quỹ, vận động, yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp phải có trách nhiệm vận động, thuyết phục, chúng ta tổ chức các ngày hội việc làm bên phía bạn, tổ chức văn phòng đến trực tiếp các ốp để vận động thuyết phục, đặc biệt chúng ta kiên quyết làm việc với phía bạn.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng là số ở lại lao động bất hợp pháp vì các chủ doanh nghiệp của bạn cũng có nhu cầu, những người ở lại thường là tay nghề cao, thu nhập cao lại trốn được thuế v.v... và cơ hội quay trở lại là khó.

“Gần đây sau 3 năm kiên trì, đặc biệt năm 2017 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng làm việc với bạn và phía bạn cũng quyết liệt xử lý các doanh nghiệp phía bạn vi phạm nên chúng ta đã rút xuống còn 33%. Chính vì vậy trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước phía bạn đã đề nghị ta ký lại bản ghi nhớ này. Tuy nhiên, chúng tôi phải tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động công việc để giảm hơn tình trạng này nhưng đây cũng là vấn đề khó cần quyết tâm cao hơn”. – Bộ trưởng Dung thông tin thêm.

Vân Du