Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói gì về tăng tuổi nghỉ hưu?

Vân Du 06/06/2018 22:58

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại phiên chất vấn ngày 6/6.

Tại nghị trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hai vấn đề:

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100 về chương trình hành động của Chính phủ, có thể nói đây là cương lĩnh của Chính phủ xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, đó cũng là lời khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trước Đảng, trước nhân dân, đến nay đã là giữa nhiệm kỳ. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết những nhiệm vụ nào được coi là khó hoàn thành hơn cả, những khó khăn thách thức nào đang đặt lên vai Chính phủ và những giải pháp nào được coi là đột phá để hoàn thành nhiệm vụ?

Ngày hôm qua và ngày hôm nay cũng tại nghị trường này Phó Thủ tướng đã được nghe một thực trạng đáng trăn trở, đó là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ. Tuổi trẻ đang khao khát có được việc làm, tuy nhiên thời gian tới đây có thể chúng ta sẽ xem xét việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này. Liệu việc tăng tuổi nghỉ hưu có làm giảm cơ hội việc làm của giới trẻ hay không. Liệu chính sách này có thực sự thể hiện ý chí của đa số người dân hay không?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai hỏi hai câu quá khó về chương trình hành động của Chính phủ.

Ông cho biết, trong chương trình hành động nhiệm kỳ của Chính phủ, với phương châm "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp", Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp chính trong chương trình hành động từ đầu nhiệm kỳ đến 2020, gồm có:

Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, liên quan đến việc phát triển con người.

Thứ tư, liên quan đến chăm sóc đời sống nhân dân.

Thứ nămlà công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thứ sáu là những nhóm liên quan đến công tác thông tin và truyền thông.

Theo cá nhân Phó Thủ tướng,, trong 6 nhiệm vụ này có 2 nhiệm vụ có thách thức rất cao, đòi hỏi quyết tâm rất lớn mới làm được, đó là nhóm thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Không có cách nào khác chúng ta phải nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, đẩy mạnh tái cơ cấu một cách toàn diện, đi đôi với những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.

Chúng ta phải làm việc này trong điều kiện dư địa chính sách tài khóa rất hạn hẹp, vừa phải tạo ra năng lực sản xuất mới, vừa phải giải quyết những yếu kém tồn đọng và tích tụ rất nhiều năm. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn của Chính phủ. Cho nên chúng tôi nghĩ trong thời gian tới Chính phủ phải nỗ lực vấn đề này nhiều hơn, rất mong Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát, hoàn thiện thể chế, chính sách để đẩy mạnh việc này”. – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đối với vấn đề tuổi nghỉ hưu, theo Phó Thủ tướng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đã nêu các vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. “Chúng tôi cho rằng tuổi nghỉ hưu là việc hết sức nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người, kể cả những người đang làm việc và những thanh niên sắp rời ghế nhà trường bước vào thị trường lao động. Kinh nghiệm các nước giải quyết việc này rất sớm, nhưng phải có lộ trình rất chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động”. – Phó Thủ tướng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng tuổi nghỉ hưu vì lo ngại vỡ quỹ?

    18:56, 03/05/2018

  • Dệt may phản ứng tăng tuổi nghỉ hưu

    11:00, 30/04/2018

  • Có thể tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021

    01:20, 25/04/2017

  • Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Phương án nào khả thi?

    16:44, 12/12/2016

  • Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần xây dựng lộ trình

    14:46, 07/10/2016

Vẫn theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải dựa vào một tổng thể rất nhiều yếu tố, trước hết phải dựa vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết bài toán việc làm và thất nghiệp. “Nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu của người hiện tại mà chúng ta không tạo ra được công ăn việc làm mới cho những người bước vào thị trường lao động thì chúng ta không thể nào tăng tuổi nghỉ hưu được”. – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông, trước hết cần phải tập trung vào phát triển sản xuất và tạo ra việc làm mới.

Thứ hai là còn liên quan đến cơ cấu ngành nghề, có những ngành rất muốn nghỉ sớm, nhưng có những ngành và nhân lực chuyên môn sâu thì người ta có thể có điều kiện kéo dài ra.

Thứ balà vấn đề già hóa dân số, tuổi nghỉ hưu sau 60 tuổi, tuổi thọ của chúng ta đang tăng lên và 60 năm nay thì chúng ta chưa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Một yếu tố nữaliên quan đến bình đẳng giới, tuổi nghỉ hưu nam hay nữ của chúng ta đang còn cách nhau quá xa, 5 tuổi, thế giới không phân biệt hoặc khoảng cách này rất hẹp.

Cuối cùng là đảm bảo cân đối dài hạn của quỹ bảo hiểm xã hội. Trên tinh thần đó báo cáo Quốc hội là Nghị quyết Trung ương vừa rồi đã có quyết định, tức là từ năm 2021 sẽ thực hiện việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo một lộ trình rất thận trọng và phù hợp để vừa đảm bảo mục tiêu của tuổi nghỉ hưu chung, vừa đảm bảo rút ngắn về giới.

“Đối với những ngành nghề đặc biệt thì có thể nhiều hơn hoặc ít hơn 5 năm và sau này khi sửa Bộ luật Lao động thì cụ thể như thế nào, Quốc hội sẽ quyết định, nhưng phải lưu ý rằng không phải bây giờ chúng ta điều chỉnh từ 2001 tự nhiên tăng tuổi ngay lập tức, ví dụ mỗi năm chỉ tăng mấy tháng, còn lâu chúng ta mới có thể đạt thêm 1 tuổi.

Kinh nghiệm như Italia 10 năm tăng 4 tuổi là thị trường lao động đã có vấn đề. Vấn đề này Quốc hội sẽ thảo luận kỹ và sẽ có quyết định”. – Phó Thủ tướng cho biết.

Vân Du