Đặc khu cần gì nhất?
Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, môi trường đầu tư, cơ chế chính sách mới là quan trọng nhất đối với đặc khu kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy với báo giới bên hành lang Quốc hội về một số quy định tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Quyết định hợp lòng dân
Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, cơ chế quan trọng nhất vì cơ chế là sự vận hành, đầu tư cũng là một sự vận hành để tạo ra những giá trị. Cho nên, một số điều chúng ta đưa ra như nhân công giá rẻ, thời gian giao đất dài không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta tạo ra được môi trường tốt để bộ máy kinh tế hoạt động và vận hành tốt, hiệu quả.
“Ở đây tôi muốn nói đến một yếu tố mà chúng ta ít quan tâm, tức là yếu tố thời gian. Thời gian là tiền bạc, là của cải, lâu nay chúng ta luôn luôn bị tắc nghẽn về thời gian chỉ vì những thủ tục rườm rà, đôi khi làm nản lòng chính các doanh nghiệp”, ông Quốc nói.
Về quy định về thời hạn cho thuê đất, giao đất, ông Quốc rất đồng tình và cho rằng Thủ tướng đã nói rất đúng, tại sao phải lấy thời gian dài cho thuê để dẫn dụ các nhà đầu tư? Với một cơ chế tốt chúng ta sẽ hoàn toàn có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư chất lượng đến đây.
“Tôi nghĩ rằng, khi đưa ra một cái gì mới nhất, đặc biệt là những vấn đề có thể chạm tới tâm thức thì phải hết sức thận trọng”, ông Quốc bày tỏ.
Vẫn theo ông Quốc, Thủ tướng đặt vấn đề Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe ý kiến dư luận để báo cáo Quốc hội quyết định vấn đề này hoàn toàn đúng. Vì từ quá trình dự thảo cho đến khi quyết định phải bảo đảm được cơ chế vận hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong đó có thông qua ý kiến các ĐBQH.
Với sự thẳng thắn của Thủ tướng về việc luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp của nhân dân và các ĐQBH, ông Quốc đánh giá, việc làm này của Thủ tướng đã cho thấy được thái độ của Chính phủ như thế nào. Một trong những ưu trội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm lâu nay là luôn lắng nghe để đưa ra những quyết định đúng. Bởi vì, điều quan trọng hơn cả là những quyết định đó hợp với lòng dân, hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng: Cho thuê đất 99 năm không phải mấu chốt của Luật đặc khu
08:30, 05/06/2018
Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải việc “sốt đất” ở 3 đặc khu
05:35, 05/06/2018
“Dự án luật Đặc khu: Môi trường đầu tư, cơ chế chính sách là quan trọng nhất”
18:12, 04/06/2018
Luật Đặc khu: Cần điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư
10:18, 02/06/2018
Lắng nghe thành xu thế
Theo ĐBHQ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới đã đúc kết những thành công của các đặc khu. Yếu tố đầu tiên phải là thể chế. Thể chế nếu thông thoáng, nhanh gọn, thuận lợi và phục vụ tốt thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ nhanh chân tìm đến. Khi có cảm nhận là được phục vụ thật lòng thì họ sẽ nhanh chóng tiến hành triển khai các thủ tục đầu tư.
Do đó, thể chế là quan trọng số một, chứ không phải ưu đãi về thuế. Thứ hai mới là các khả năng để làm thế nào cho nhà đầu tư kết nối hoạt động kinh doanh với thị trường, phát triển hạ tầng. Nếu hạ tầng tốt nhà đầu tư mới có thể giao lưu, luân chuyển hàng hóa, sản phẩm. Khi đó kinh doanh mới có hiệu quả. Thứ ba, mới là ưu đãi thuế. Khi hoạt động kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp mới được hưởng lợi từ ưu đãi thuế.
Vẫn theo ông Cường, mấu chốt thành công của các đặc khu kinh tế không phải là thời gian 99 năm. Nếu chúng ta có thể chế tốt, kỷ luật hành chính rõ ràng, minh bạch và có tính cam kết để đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư thì dù nhà đầu tư có đầu tư 50 năm mà họ kinh doanh có hiệu quả thì đương nhiên sẽ được tiếp tục được kéo dài thời gian thuê đất đầu tư.
“Nếu mà không có thể chế tốt, không có ràng buộc, kiểm soát chặt thì cũng không thể thu hút được các nhà đầu tư thực sự, mà có thể họ chỉ vào để nhằm kiếm chỗ hoặc lợi dụng một cơ hội nào đó”, ông Cường thẳng thắn.
Ông Cường cho rằng, từ việc Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến dư luận để đưa ra những quyết định lớn đang trở thành một xu thế chung.
ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn Bình Định): Nhà đầu tư luôn mong muốn sự minh bạch Một trong những điều các nhà đầu tư luôn mong muốn là sự minh bạch, nếu có cơ chế tốt sẽ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng. V iệc cho thuê đất dài năm không phải là yếu tố quyết định, tôi cũng mong muốn luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt nên xem xét lại các điều kiện không như trong dự thảo. Bởi vì, trong thời đại 4.0 thì nhà đầu tư cũng không cần thuê quá dài, chỉ có những người kinh doanh đất đai mới quan tâm đến thời hạn này. Tôi hy vọng sau ý kiến của Thủ tướng thì ban soạn thảo sẽ điều chỉnh lại các điều khoản về cho thuê đất trong dự thảo luật, vì đây là vấn đề lớn, rất cần phải có sự tính toán thật kỹ lưỡng. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội): Cần những người lãnh đạo tương thích với thể chế Tôi rất tán đồng ý kiến của Thủ tướng, việc chúng ta thành lập ra đặc khu để tìm ra những yếu tố ưu tiên, và yếu tố này sẽ trở thành sức hút. Trong đó, có vấn đề thể chế, cơ chế ưu đãi về cơ bản đã được giải quyết trong dự thảo luật. Còn về môi trường đầu tư, bên cạnh pháp luật là những người thực thi pháp luật là hết sức quan trọng. Môi trường này cần có những người lãnh đạo tương thích với thể chế, những yêu cầu rất mới, bên cạnh đó là tư duy người lãnh đạo. Cách hành xử tại các đặc khu này phải đảm bảo để doanh nghiệp được mời gọi đến chứ không còn tư duy xin – cho như lâu nay chúng ta vẫn thấy. |