Đại biểu Quốc hội đồng thuận Dự thảo giám sát 2 trong 4 chuyên đề
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay (7/6), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội về Dự kiến chương trình giám sát của Quốc năm 2019.
Cụ thể, theo Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm.
Cần quan tâm quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.
Đánh giá về dự thảo Chương trình giám sát 2019, Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, trước khi UBTVQH tổng hợp để đưa ra các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thảo luận tại buổi hôm nay, Ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội tại các địa phương, trên cơ sở đó đã tổng hợp xin ý kiến Quốc hội.
“Tại kỳ họp lần này, 4 nội dung trên rất phù hợp, sát với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu cử tri”, Đại biểu Y Khút Niê nói.
Theo quan điểm của Đại biểu Y Khút Niê, có 2 chuyên đề cần được quan tâm hơn, đó là chuyên đề về quản lý sử dụng đất đai tại các đô thị lớn hiện nay vì đây đang là vấn đề bức xúc của nhiều người dân và được nhiều ĐB lựa chọn. Bên cạnh đó, chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong các đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc miền núi đang được nhiều cử tri quan tâm.
“Nếu được giám sát ở nội dung này sẽ giúp tìm ra điểm yếu, điểm chưa phù hợp trong quá trình hoạch định chính sách cho đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số để thúc đẩy tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào trong các vùng này”, Đại biểu Y Khút Niê nhìn nhận.
Có thể bạn quan tâm
Đề nghị Quốc hội giám sát đất đai ở 3 vị trí sắp làm đặc khu
11:42, 07/06/2018
Sẽ rút thời gian thuê đất đặc khu, không giữ 99 năm
11:43, 07/06/2018
Đặc khu cần gì nhất?
05:35, 07/06/2018
Từ FTA nghĩ về đặc khu
04:25, 07/06/2018
Với đại biểu Phùng Đức Tiến, khi đánh giá về Chương trình dự thảo giám sát 2019, đại biểu Tiến cho biết, các chuyên đề giám sát được tiến hành khoa học từ các đoàn đại biểu. Trên cơ sở đó, đơn vị giám sát tổng hợp, báo cáo ra Thường vụ Quốc hội xem xét, phân tích các tiêu chí đã được quy định và thường vụ Quốc hội chọn những chuyên đề để đưa ra Quốc hội quyết định.
Đồng quan điểm với đại biểu Y Khút Niê, đại biểu Tiến cho biết: “Với 4 chuyên đề được đưa ra để lựa chọn 2 chuyên đề, tôi cho rằng 4 chuyên đề này đều mang tính cấp thiết, thời sự và có ý nghĩa”.
Theo quan điểm cá nhân, đại biểu Tiến cho rằng chuyên đề thứ nhất và chuyên đề thứ hai là hai chuyên đề có sức ảnh hưởng lớn, đó là vấn đề đất đô thị bởi trong thời gian gần đây có nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng rất phức tạp; Về vấn đề phòng cháy chữa cháy, hiện nay có rất nhiều chung cư tại các khu đô thị lớn được cảnh báo là không đảm bảo tiêu chí và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống công dân.
Bên cạnh đó, nói về công tác hậu giám sát đại biểu Tiến cho rằng khi chúng ta tiến hành giám sát tối cao và giám sát thường vụ, thường có nghị quyết và nghị quyết đó có giá trị pháp luật như luật.
“Không như trước đây, đó là hậu giám sát giữa và cuối nhiệm kỳ do các bộ và Chính phủ giải trình việc tổ chức thực hiện nghị quyết giám sát. Đây cũng là một tiêu chí để bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng, các thành viên Quốc hội khi tổ chức thực hiện các tổ chức các nghị quyết giám sát, do đó đây là một thiết chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc giám sát”, đại biểu Tiến nói.
Không cần thiết giám sát các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Trong phiên thảo luận buổi sáng, cơ bản đồng tình với đề xuất của UBTVQH, các đại biểu Quốc hội khẳng định lựa chọn các chuyên đề giám sát của UBTVQH đều là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, UBTVQH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm sự cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực.
Liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát, tại nghị trường đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng, năm 2019, không cần thiết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Đinh Văn Nhã cho biết, hiện nay, chúng ta có 85 quỹ ngoài ngân sách theo luật và nghị định của Chính phủ. Song, hoạt động trên thực tế chỉ có 35 quỹ, tức là số quỹ được thành lập, hoạt động không nhiều. Trong 35 quỹ này, lại chỉ có 2 quỹ lớn về bảo hiểm xã hội, ước tính chiếm 85% kinh phí của các quỹ còn lại. Một số địa phương cũng có quỹ ngoài ngân sách, nhưng tổng số vốn chỉ khoảng vài chục triệu, vài trăm triệu. Các quỹ này, nhất là hai quỹ lớn về bảo hiểm đều được kiểm toán hàng năm và có báo cáo định kỳ nghiêm túc. Điều này chứng tỏ quỹ ngoài ngân sách đã được cơ quan bảo vệ pháp luật kiểm toán, giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã có giám sát chuyên đề về nội dung này, khi thấy phát sinh vấn đề bất cập, Ủy ban đã có kiến nghị và QH Khóa XIII đã bổ sung các quy định vào Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), theo hướng ngân sách không bao cấp cho các quỹ tự thu, tự chi. Thanh tra Chính phủ cũng có thông báo gửi các bộ, ngành, địa phương sắp xếp lại các quỹ. Có thể hiểu là quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước không phát sinh vấn đề gì lớn và vẫn đang trong vòng kiểm soát của Kiểm toán Nhà nước.
Một số đại biểu Quốc hội cũng phân tích và đề nghị Quốc hội bổ sung chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em. Đây là vấn đề mới phát sinh song hậu quả rất đáng lo ngại, cần được có sự quan tâm thích đáng.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quoocs hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của QH năm 2019, lựa chọn hai chuyên đề do Quốc hội giám sát tối cao và hai chuyên đề giao UBTVQH giám sát.