Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?
Chiều nay (11/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Luật Giáo dục được ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
05:00, 11/06/2018
Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được… đánh giá cao?
09:40, 06/06/2018
3- 4 tỷ USD dành cho giáo dục “trôi” ra nước ngoài
09:26, 06/06/2018
Giáo dục nghề nghiệp: Làm gì để tạo đột phá?
14:00, 05/06/2018
“Lỗ hổng” trong giáo dục là lịch sử và văn hóa
01:31, 31/05/2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”
13:39, 30/05/2018
Tự chủ giáo dục: Phải đảm bảo “kiềng 3 chân”
11:52, 29/05/2018
Chất lượng giáo dục mầm non: Không thể lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu
10:20, 29/05/2018
Quá trình thực hiện và tổng kết thi hành Luật Giáo dục cho thấy quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Một số quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, chưa thu hút, phát triển được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng GT&ĐT cũng chỉ ra một số quy định chưa phù hợp về chính sách đối với học sinh, sinh viên cũng như việc phân định quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều. Theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, dự thảo luật đã bao quát hầu hết vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, luật sửa đổi, bổ sung quy định học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh, tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp học và trình độ đào tạo...
Trước đó, ngày 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
Theo kế hoạch, dự án luật sẽ trình xin ý kiến quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây.
Trong dự thảo tờ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Chính phủ thừa nhận sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Những hạn chế này đã trở thành "điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học".
Vì vậy, dự thảo luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật giáo dục đại học và bổ sung 2 điều.
Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết bên bên cạnh các ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như tờ trình Chính phủ, một số ý kiến đã đề nghị cân nhắc sửa đổi toàn diện luật.
Lý do là vì số lượng điều khoản được lựa chọn sửa đổi, bổ sung lớn (sửa đổi 53% số lượng điều luật); nội dung sửa đổi liên quan đến hầu hết các vấn đề cơ bản, quan trọng của luật hiện hành. Hơn nữa, yêu cầu đổi mới giáo dục, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi luật phải được sửa đổi một cách căn cơ, toàn diện hơn.
Ủy ban cũng nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có sức khỏe, trí tuệ, có đạo đức, kỷ luật, tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia…
Riêng về học phí, Chính phủ cho rằng mức học phí hiện chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế. Do đó, dự thảo luật đã sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, để các trường công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định.
Đa số ý kiến thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng tán thành chủ trương này. Tuy nhiên, đi đôi với cơ chế học phí mới, cần quy định cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo.
Ngoài ra, phải quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục bậc cao khi tăng mức học phí cũng như bổ sung văn bản hướng dẫn chi tiết về giá và mức giá dịch vụ đào tạo.