Đại biểu Quốc hội: Phụ huynh không muốn con em mình là “chuột bạch”
Chiều nay (11/6), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Phụ huynh đang rất dị ứng với những từ “thử nghiệm” hay “thí điểm”
Góp ý về dự thảo luật trên, Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), cho rằng Điều 29 quy định chương trình giáo dục phổ thông phải được thực nghiệm trước khi ban hành, điều này mới nghe qua rất nhân văn. Nhưng theo vị đại biểu, quy định này cần nhưng chưa đủ.
Lấy ví dụ vừa qua có mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), dù chưa được Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (văn bản cao nhất là công văn của Thủ tướng Chính phủ) nhưng lại triển khai đại trà ở 51 tỉnh, thành phố, với 5.200 trường học. Mô hình này khiến một số phụ huynh đang rất dị ứng với việc thực nghiệm, thí điểm.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?
16:08, 11/06/2018
Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
05:00, 11/06/2018
Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được… đánh giá cao?
09:40, 06/06/2018
3- 4 tỷ USD dành cho giáo dục “trôi” ra nước ngoài
09:26, 06/06/2018
Giáo dục nghề nghiệp: Làm gì để tạo đột phá?
14:00, 05/06/2018
Dù chưa có đánh giá kết quả, nhưng thực tế nhiều địa phương phụ huynh không muốn đưa con em mình đi học mô hình này. Thậm chí có địa phương 100% phụ huynh không đồng tình cho con đi học mô hình này.
"Họ thắc mắc tại sao đưa con em họ ra làm “chuột bạch” để thí điểm. Sau phản ánh của địa phương, Bộ GD&ĐT thừa nhận mô hình này chưa phù hợp với một số địa phương, việc triển khai nóng vội gây băn khoăn trong dư luận… Để khắc phục Bộ GD&ĐT đã có công văn khắc phục.
Tuy nhiên, đối với học sinh không có chuyện học thử mà chỉ có học thật. Nếu thử nghiệm như vậy làm ảnh hưởng cả một thế hệ vì học sinh không có cơ hội học lại, nên cần đưa ra mức trần thí điểm và cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm….”- vị đại biểu nhấn mạnh.
Cũng góp ý cho Luật này, một số đại biểu cho rằng cần giao cho các trường phổ thông tự chủ học thuật, chương trình, nhân sự... và Nhà nước chỉ điều tiết…
Nhiều sách giáo khoa, ai sẽ được chọn?
Đại biểu Tuấn cũng bày tỏ băn khoăn về quy định mỗi môn học có thể có nhiều bộ sách giáo khoa và các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng.
"Khi có nhiều bộ sách giáo khoa, ai được chọn sách giáo khoa trong từng lớp, từng cấp học, từng môn học? Việc chọn nhiều sách liệu có dẫn đến tình trạng đa thư loạn mục, không đảm bảo tính thống nhất và ăn khớp của toàn nền giáo dục? Mỗi cơ sở giáo dục chọn một bộ sách giáo dục thì Bộ Giáo dục có đảm đương nổi nhiều công việc trong đó tập huấn cho từng trường hay không?", đại biểu Tuấn nêu hàng loạt băn khoăn và đề xuất, dự luật cần phải quy định sách giáo khoa chuẩn cho từng vùng, miền cụ thể.
Đại biểu này dẫn chứng, hiện nay, một số trường cũng đã lựa chọn sách giáo khoa nhưng ngay giá sách giáo khoa cũng rất chênh lệch, không đảm bảo sự hài hòa giữa các trường học ở ngay tại một địa phương.
“Chẳng hạn, sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 có giá bán 14.500 đồng, tuy nhiên, một bộ sách giáo khoa của chương trình riêng có giá lên tới hơn 160.000 đồng, gấp tới hơn 10 lần. Một ví dụ khác là một cuốn sách giáo khoa môn toán lớp 4 có giá là 10.900 đồng nhưng bộ sách tương tự của chương trình VNEN có giá lên tới hơn 60.000 đồng”, ông Tuấn ví dụ.
Từ đó, ông Tuấn đề nghị, cũng cần phải quy định cụ thể về mức độ chênh lệch của giá sách giáo khoa để đảm bảo sự hài hòa, ổn thỏa giữa các trường và các địa phương khi áp dụng chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.