Trao quyền tự chủ giáo dục phổ thông: Đừng “đem con bỏ chợ”

Vân Du 12/06/2018 01:30

“Nếu như chúng ta mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường này mà các trường chưa đủ khả năng thì như vậy khác nào “đem con bỏ chợ”?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) có ý kiến tranh luận đề xuất “mạnh dạn trao hẳn quyền tự chủ cho các trường” của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) cho rằng, dù thực tế vấn đề tự chủ đã được quy định trong giáo dục phổ thông từ hơn 10 năm nay, nhưng tại nhiều nhà trường quyền tự chủ cũng chỉ dừng ở mức độ là quyền tự đảm bảo các khoản chi.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định)

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định).

Đặt trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông từ lâu và thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, khi sửa đổi luật về giáo dục, đại biểu Thảo đề nghị cần có các bước đột phá quy định theo hướng mạnh dạn, trao hẳn quyền tự chủ cho các nhà trường này dưới 3 góc độ tự chủ, đó là chuyên môn, tài chính và cả nhân sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông có sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu của thực tiễn ít nhất về mặt chuyên môn.

Theo đại biểu Thảo, giáo dục phổ thông vốn có ba khâu. Khâu thi tuyển đầu vào, khâu đào tạo và khâu xét đầu ra. Hiệu quả của một chương trình thành bại thế nào phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đầu ra của học sinh. Nếu dự thảo quy định được theo hướng giao cho các trường phổ thông được tự chủ về học thuật, về chương trình thì họ sẽ có trách nhiệm lựa chọn chương trình phù hợp, có kế hoạch giáo dục, đảm bảo tương ứng với khâu cuối cùng quyết định này.

“Khi đó, tôi nghĩ nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết, đặt hàng các trường phổ thông tương ứng với nhóm ngành nghề nào mà xã hội đang cần. Quyền lựa chọn nội dung và cách thức thực hiện phải do nhà trường phổ thông tự quyết định”. – đại biểu Thảo bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội: Phụ huynh không muốn con em mình là “chuột bạch”

    16:31, 11/06/2018

  • Đại biểu “lăn tăn” chuyện ưu đãi thu hút nhân tài ngành sư phạm

    17:04, 11/06/2018

  • Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?

    16:08, 11/06/2018

  • Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất lại được… đánh giá cao?

    09:40, 06/06/2018

  • 3- 4 tỷ USD dành cho giáo dục “trôi” ra nước ngoài

    09:26, 06/06/2018

  • Giáo dục nghề nghiệp: Làm gì để tạo đột phá?

    14:00, 05/06/2018

  • Giáo dục không phải... cái chợ!

    16:08, 02/06/2018

Khi đó, theo đại biểu Thảo, sự phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ rõ nét hơn, tăng tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm mà vẫn đảm bảo theo hướng nguồn lực được đáp ứng theo nhu cầu của xã hội. Do đó, đại biểu Thảo đề nghị bổ sung quy định vào dự thảo luật cụ thể là: "Giao cho các trường phổ thông được tự chủ về học thuật, về chương trình, phù hợp với nhu cầu xã hội trong từng thời kỳ".

Vẫn theo đại biểu Thảo, tại khoản 2 Điều 58 dự thảo đã quy định: "Trường công lập được thực hiện quyền tự chủ trong đó ngoài nhân sự còn có tự chủ về tài chính". Quy định như vậy là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Thảo đề nghị cần bổ sung trách nhiệm giải trình của các nhà trường, đặc biệt là trường phổ thông công lập, tự chủ, công khai và có trách nhiệm giải trình về tài chính trước, sau khi thực hiện, tức là không quy định theo hướng giải trình hậu kiểm mà cần quy định cả theo hướng tiền kiểm nhất là lĩnh vực tài chính kinh tế này dễ làm nảy sinh nhiều vấn đề khác để đảm bao công khai minh bạch thu chi tài chính trong trường phổ thông.

Đồng thời, khi giao tự chủ cho các trường phổ thông không phải nhà nước không có sự quan tâm nhiều mà nhà nước vẫn cần có cơ chế giám sát. Quy định theo hướng này đòi hỏi người đứng đầu là hiệu trưởng phải có năng lực mới thích ứng chuyển đổi từ thế bị động sang chủ động. Do cách quy định đột phá này thể hiện rõ nét sự ảnh hưởng của hiệu trưởng các trường, của Hội đồng giáo dục nhà trường nên dự thảo luật cần bổ sung các quy định liên quan tới thành viên trách nhiệm của hội đồng trường nhằm định hướng đưa ra quyết sách và giám sát hoạt động của những người đứng đầu.

Bên cạnh đó, để thực hiện quyền tự chủ tại trường phổ thông, để dự thảo luật có quy định khi ban hành hiệu lực được cụ thể hóa cần điều chỉnh các văn bản dưới luật cho thống nhất với tinh thần của dự thảo.

Rút kinh nghiệm thời gian qua nhiều văn bản dưới luật không quy định được nội dung có liên quan này. Ví dụ, trong điều lệ trường phổ thông thiếu các quy định về thực hiện quyền tự chủ. Theo quy định luật sửa đổi, bổ sung năm 2009, một số nghị định của Chính phủ từ Nghị định 43 năm 2006 đến Nghị định 16 năm 2005 vẫn nhìn nhận trường phổ thông như một đơn vị chịu trách nhiệm thi hành mệnh lệnh về hành chính hay chuyên môn từ cơ quan quản lý cấp trên mà không quy định mức độ tự chủ của các trường này.

Do đó, theo đại biểu Thảo, để Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đồng bộ, nhất quán trong chủ trương và nghị định Chính phủ nhất thiết nên sửa đổi các văn bản dưới luật hoặc ban hành nghị định riêng về tự chủ của trường phổ thông công lập.

Tranh luận lại đề xuất “mạnh dạn trao hẳn quyền tự chủ cho các trường” của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng quan điểm này cần phải xem xét lại bởi, nếu chúng ta tiến hành trao hẳn quyền tự chủ một cách mạnh dạn cho các trường thì sẽ có 3 vấn đề có thể xảy ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên

Thứ nhất, đối với Điều 53 quy định về Hội đồng trường tại Hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị. Ở đó khả năng thứ nhất xảy ra, đó là hoạt động của Hội đồng trường, đại Hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị, nếu xảy ra trường hợp hoạt động không minh bạch và đi chệch hướng thì lúc đó nhà nước rất khó để can thiệp và rất khó để điều tiết đối với những trường tự chủ như vậy.

Thứ hai là Hội đồng trường và Hội đồng quản trị có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng, trong khi đấy theo quy định cũ thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải thuộc nguồn quy hoạch của tỉnh, thậm chí đối với các trường đại học thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải thuộc quản lý của Ban Thường vụ tỉnh, có những tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng rất khắt khe, ví dụ phải có bằng tiến sĩ trở lên, có kinh nghiệm quản lý ít nhất 5 năm.

“Với những tiêu chuẩn quy định như vậy thì để phấn đấu được chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì nhà quản lý phải phấn đấu rất nhiều, đòi hỏi kể cả về phẩm chất và năng lực, nhưng trong dự thảo luật quy định như vậy tôi thấy tiêu chí để chọn hiệu trưởng quá dễ dàng, chưa có tiêu chí khắt khe, nếu như xảy ra trường hợp vì lợi ích nhóm chẳng hạn thì Hội đồng quản trị và Hội đồng trường có thể chọn hiệu trưởng cho phù hợp với lợi ích nhóm nếu như xảy ra”. – đại biểu Phúc nói.

Theo đại biểu Phúc, nếu như quan điểm của hiệu trưởng mà trái ngược với Hội đồng quản trị và Hội đồng trường thì rất có thể chính hiệu trưởng đó sẽ bị bãi nhiệm chức vụ. Như vậy nếu xảy ra trường hợp như vậy thì điều tiết của nhà nước ở đây rất khó.

Thứ ba, hiện tại có hai hướng các trường mạnh thì rất muốn tự chủ hoàn toàn nhưng đa phần các trường từ cấp phổ thông cho tới cấp đại học thì chưa thực sự chuẩn bị đủ về nguồn lực để tự chủ, chỉ muốn tự chủ có một phần, ở đây cơ sở nguồn lực từ chỉ tiêu tuyển sinh của học sinh vào trường do Bộ khống chế. Hai là chi lương cho giáo viên và cơ sở vật chất.

“Cho nên các trường này chưa muốn tự chủ hoàn toàn và chỉ muốn tự chủ một phần, nếu như chúng ta mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường này mà các trường này chưa đủ khả năng thì như vậy khác nào “đem con bỏ chợ”.  Vì vậy, ba quan điểm này theo tôi không nên mạnh dạn trao hẳn quyền tự chủ”. – đại biểu Phúc nhấn mạnh.

Vân Du