Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 điểm nhấn chiến lược tại G7 mở rộng

Thy Hằng 12/06/2018 06:15

Tối ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada.

Nhận lời mời của Thủ tướng Justin Trudeau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng và thăm Canada từ ngày 8-10/6.

Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chương trình làm việc khẩn trương với hàng loạt hoạt động đa phương và song phương. Đặc biệt trong đó, Thủ tướng và Đoàn đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng với các chủ đề về phát triển bền vững, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ, đặc biệt là vấn đề biển và đại dương. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Giải quyết vấn đề toàn cầu- 400 triệu tấn rác thải nhựa

Hội nghị đã đánh giá vấn đề ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển. Kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương hướng tới mục tiêu đại dương xanh và hành tinh xanh.

Hầu hết các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21), chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và biện pháp tăng cường năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế giải quyết các vấn đề biển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đưa ra sáng kiến thành lập “Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển”. 

Trong khi đó, theo WB, OECD, hiện nay có 400 triệu tấn rác thải nhựa trong các đại dương, nếu không có biện pháp phù hợp thì đến 2050 số rác thải nhựa này sẽ tăng 4 lần, tới 1,6 tỷ tấn đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển, sức khỏe đại dương.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến, các nước G7 thúc đẩy hình thành “Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa” với “sự chung tay hành động ngay từ bây giờ của các quốc gia để các đại dương của chúng ta luôn mãi xanh, ắp đầy tôm cá và không còn phế thải nhựa như là một di sản tốt đẹp cho các thế hệ mai sau”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị G7 mở rộng được đánh giá cao

    Sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị G7 mở rộng được đánh giá cao

    10:19, 10/06/2018

  • Thủ tướng đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada

    09:21, 09/06/2018

Thông điệp làn sóng đầu tư mới

Thủ tướng đồng thời khẳng định phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, với quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm để có các vùng biển xanh, khỏe mạnh.

Thủ tướng nêu rõ cam kết Việt Nam chung tay hành động cùng cộng đồng quốc tế để đưa Thỏa thuận COP 21 Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu sớm trở thành hiện thực.

“Mục tiêu gìn giữ đại dương xanh, môi trường sinh tồn của nhân loại chỉ có được khi hòa bình, ổn định và hợp tác lan tỏa trên các vùng biển. Bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada với các đại diện đến từ 40 doanh nghiệp hàng đầu Canada và nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, ngân hàng, bất động sản, nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada, tham gia mua cổ phần trở thành đối tác, cổ đông chiến lược trong tiến trình tái cơ cấu các ngành kinh tế, cổ phần hóa các tập đoàn DNNN tại Việt Nam. 

“Trong môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi của Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ có sự bùng nổ, sẽ có làn sóng đầu tư mới của Canada, của Québec vào Việt Nam, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước chúng ta”, Thủ tướng nói đồng thời khẳng định “Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn mở rộng cửa chào đón các bạn và tạo điều kiện cho các bạn thành công”.

Thắt chặt liên kết chiến lược

Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với hầu hết lãnh đạo các nước G7, các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng như gặp gỡ Thủ tướng các nước Nhật Bản, Na Uy, Bangladesh, Italia; Tổng thống các nước Pháp, Argentina, Haiti, Senegal, Nam Phi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn G7 và G7 mở rộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn G7 và G7 mở rộng.

Gặp lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng ý kiến tư vấn của WB, IMF và OECD đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, trong đó chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ một số lĩnh vực.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực vào các công việc chung của Liên Hợp Quốc. Ủng hộ cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động.

Thy Hằng