Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Với 95,28% số đại biểu tán thành, sáng 12/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thay thế Luật Cạnh tranh năm 2005. Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Cạnh tranh, có ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định về tỷ lệ % giữa số đơn vị hàng hóa (điểm c, d khoản 1 Điều 10) vì rất khó cho doanh nghiệp, mà chỉ liệt kê thêm doanh thu ở từng lĩnh vực. UBTVQH cho rằng thực tiễn thực thi Luật Cạnh tranh trong thời gian qua cho thấy có những trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực như hàng không, vận tải biển, truyền hình trả tiền… việc bóc tách để tính doanh thu trên thị trường liên quan của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi có thể tính thị phần căn cứ trên tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ.
Tại Chương V của luật quy định về tập trung kinh tế, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại Điều 42 dự thảo Luật trường hợp hết thời hạn thẩm tra chính thức mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ban hành hoặc không gửi đến doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế quyết định về việc tập trung kinh tế thì việc tập trung kinh tế được thực hiện để tránh chậm trễ, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Vẫn "băn khoăn" về Ủy ban Cạnh tranh quốc gia
15:55, 24/05/2018
Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Tìm mô hình cho cơ quan quản lý cạnh tranh
13:14, 24/05/2018
Phá thế độc quyền trong Luật Cạnh tranh
12:37, 27/04/2018
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Tác động của Luật Cạnh tranh còn “mờ nhạt”
13:53, 15/11/2017
UBTVQH cho rằng, việc tập trung kinh tế phải chuyển từ thẩm định sơ bộ sang thẩm định chính thức là những trường hợp tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động một cách đáng kể trên thị trường. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần thẩm định kỹ, đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 3 Điều 41 dự thảo Luật).
Về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Chương VII), có ý kiến đề nghị sửa lại quy định tại khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên 7 năm.
Theo UBTVQH, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh.
Quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 05 năm, phù hợp với Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ. Về tố tụng cạnh tranh (Chương VIII), kế thừa các quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, Luật quy định việc giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Điều 90.
Đối với việc tập trung kinh tế, Luật giao thẩm quyền giải quyết cho Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhằm giải quyết nhanh và bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong việc tập trung kinh tế. Về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Chương IX), quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật về mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền đã được chỉnh lý, đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Hình sự.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng, phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với các hành vi vi phạm về tập trung kinh tế thì Bộ luật Hình sự không quy định, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hạn chế cạnh tranh áp dụng theo quy định của luật tương ứng. Hành vi vi phạm về tập trung kinh tế là hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Vì vậy, Luật Cạnh tranh quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm về tập trung kinh tế là phù hợp.