Phong thăng hàm cấp tướng: Thời bình sao nhiều tướng thế!
Sáng nay (14/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi). Quy định về hàm cấp tướng đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Phát biểu tại Quốc hội, khi đề cập quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong CAND, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, việc phong thăng hàm cấp tướng đã và đang được thực hiện nhưng dư luận cũng có ý kiến khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay Quốc hội biểu quyết thông qua một số Luật (sửa đổi)
05:00, 14/06/2018
Nhiều ý kiến khác nhau về hàm cấp tướng với Giám đốc Công an cấp tỉnh
09:33, 07/06/2018
“Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế! So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều” – ông Tạo dẫn ý kiến cử tri.
Theo đại biểu Tạo, các ý kiến phản ánh đều chung suy nghĩ là phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng kém. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua.
Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì có sự “vênh” nhau.
“Nếu Giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình” – ông Tạo nêu quan điểm.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng đặt vấn đề về việc nên hay không nên nâng hàm trần cấp hàm và tương đồng hay không tương đồng giữa công an với quân sự là chưa thực sự thuyết phục.
Theo ông Lâm, cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người công an và sĩ quan quân đội. Người nào xứng đáng trình độ là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, trình độ xứng đáng cấp tá thì phong tá. Còn giám đốc hay Thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công.
“Có thể địa phương này trong lúc này cần một cán bộ cấp tướng về chỉ đạo giải quyết vấn đề, nhưng giai đoạn khác, địa phương khác có nhu cầu thì lại điều chuyển đến vị trí đó. Không cứng nhắc chỗ này nhất thiết phải tướng, chỗ kia nhất quyết phải tá” – ông Lâm nói.
Trước ý kiến cho rằng số lượng được phong hàm cấp tướng vừa qua là nhiều, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Quốc hội quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Còn phân công người đó vào việc nào là tuỳ thuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội dẫn thông báo 147 năm 2013 của Bộ Chính trị nêu rõ việc phong thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải quy định chặt chẽ ngay trong luật, đúng nhu cầu, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc công tác đặc biệt để phong thăng quân hàm cấp tướng; thống nhất quân hàm của quân đội và công an ở địa phương. Ông Lâm cho rằng, hiện Bộ Chính trị chưa có thông báo mới thì nên giữ nguyên như hiện hành hoặc xin ý kiến Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) lại cho rằng, xuất phát từ quy mô tổ chức, phân cấp cán bộ, để phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc đòi hỏi quy mô, tổ chức, biên chế, cấp bậc hàm của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương xứng.
Giám đốc Công an tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản quan trọng trong hệ thống sỹ quan CAND, là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch Bộ trưởng, Thứ trưởng, tiêu chuẩn chức danh cấp bậc hàm tương đương cấp Tổng cục. Nghị quyết 26 cũng đề cập vấn đề này.
“Với những lý do trên, việc bố trí cấp hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên dự thảo luật cần quy định cụ thể quy trình, tiêu chí rõ ràng để không vượt quá số lượng cấp tướng trong toàn ngành và toàn thể địa phương” – đại biểu Trần Văn Mão đề nghị.