Luật An ninh mạng không làm khó doanh nghiệp
Luật An ninh mạng thông qua tại kỳ họp này để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người dân.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV được tổ chức chiều nay (15/6).
Có thể bạn quan tâm
Luật An ninh mạng giúp bảo vệ doanh nghiệp trên môi trường không gian mạng
01:12, 13/06/2018
86,86% đại biểu tán thành thông qua Luật an ninh mạng
10:27, 12/06/2018
Ban hành Luật An ninh mạng là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn
13:18, 29/05/2018
Luật An ninh mạng - được và mất
12:19, 24/05/2018
Dự thảo Luật An ninh mạng có thể phát sinh "giấy phép con" cho hoạt động khởi nghiệp
06:04, 10/05/2018
Trước câu hỏi báo chí nêu về về việc trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5 có nói đến cho phép lùi thời gian thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để tiếp tục lấy ý kiến ĐBQH, chuyên gia và nhân dân, vậy quá trình lấy ý kiến nhân dân có giống như quá trình lấy ý kiến của Luật Đất đai hay Bộ Luật Hình sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Sau khi thảo luận tại hội trường, các ĐBQH có ý kiến khác nhau. Vừa qua cử tri nhân dân, và các chuyên gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo. Qua trao đổi còn nhiều ý kiến khác nhau cho nên Quốc hội dừng lại để tiếp tục cho ý kiến tiếp về những điều khoản như: thời gian cho thuê đất trong 99 năm thì bây giờ đã thực hiện theo Luật Đất đai, tới đây chính sách thuế cũng tiếp tục được rà soát.
Ông Phúc cũng cho rằng, chưa đến mức lấy ý kiến như Luật Đất đai, chỉ cần tiếp tục tiếp thu toàn bộ các ý kiến ĐBQH đã tốt rồi.
Trước vấn đề khi có ý kiến thì Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có quyết định nhanh dừng lại để tiếp tục nghiên cứu. Nhưng Luật An ninh mạng lại được thông qua với số phiếu cao. Từ đó có ý kiến cho rằng Quốc hội có sự sai lệch. Vậy tại sao cùng 2 dự án luật cùng có luồng ý kiến trái chiều thì sao có cái dừng, có cái thông qua?, theo ông Phúc, bản chất 2 việc là khác nhau. Khi có ý kiến thì Luật An ninh mạng đã được tiếp thu, chỉnh lý lại cho nên được các ĐBQH thông qua với số phiếu cao với mục đích thông qua luật để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người dân.
Giải trình thêm, ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, trong quá trình thẩm tra dự án Luật an ninh mạng, Ủy ban đã lắng nghe ý kiến cử tri, các chuyên gia, và đại diện một số quốc gia như Mỹ, liên minh châu âu, các doanh nghiệp, báo chí trong và ngoài nước. Do đó cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý, tiếp thu các ý kiến để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.Bởi đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề thách thức trên toàn cầu. Nhất là vừa qua Facebook đã để lộ lọt thông tin cá nhân của người dùng cho các doanh nghiệp khác.
“Có ý kiến lo lắng khi luật thông qua có ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet hay không? thì tôi xin khẳng định là không vì luật có cơ chế pháp lý bảo vệ quyền lợi ích cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài nước. Nhiều người hỏi Google hay Facebook có rời khỏi Việt Nam hay không thì đến nay chưa có ý kiến nào của 2 doanh nghiệp này”-ông Hồng cho hay.