Kỳ họp thứ 5 và những kỳ vọng về một nền kinh tế “khỏe”

Hồng Hương 17/06/2018 05:00

Tất cả những gì mà Quốc hội đã làm cũng hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân, điều đó thể hiện xuyên suốt qua diễn biến kỳ họp thứ 5 này.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV kết thúc, điều đọng lại trong suy nghĩ của nhiều ĐBQH cũng như cử tri trên cả nước là những nội dung, hoạt động diễn ra tại nghị trường luôn là tâm điểm chú ý của mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Có thể bạn quan tâm

  • ĐBQH Hoàng Văn Cường:

    ĐBQH Hoàng Văn Cường: "Tôi rất ấn tượng với kỳ họp này"

    11:24, 15/06/2018

  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm

    11:34, 15/06/2018

  • Quốc hội đã quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ

    Quốc hội đã quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ

    10:36, 15/06/2018

  • Luật An ninh mạng không làm khó doanh nghiệp

    Luật An ninh mạng không làm khó doanh nghiệp

    17:36, 15/06/2018

  • 100% ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

    100% ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

    11:16, 15/06/2018

Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân

Việc bàn thảo để cho ra đời một luật mới hay sửa đổi, bổ sung luật hiện hành đều được mọi người chú tâm theo dõi. Với việc thông qua 07 luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho ý kiến về 09 dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. 

Những nội dung được QH đưa ra bàn thảo tại kỳ họp cũng trên cơ sở lắng nghe, tổng hợp ý kiến khách quan từ đồng bào cử tri trên cả nước. Có những dự án luật được thảo luận, đóng góp ý kiến thông qua, có những luật sau khi thảo luận nhưng còn nhiều vấn đề chưa thực sự thỏa mãn lòng dân, nên Quốc hội quyết định chưa thông qua vì Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy cần có thời gian trao đổi thêm. Điều đó cho thấy Quốc hội làm việc hoàn toàn khách quan, nghiêm túc.

Trao đổi với báo chí về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khi Chính phủ trình và Quốc hội xem xét dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì nhân dân, trí thức và kiều bào đã có nhiều góp ý. "Đây là tinh thần yêu nước rất đáng hoan nghênh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đồng thời khẳng định, chúng tôi tiếp thu ý kiến nhân dân và sẽ trình Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng điều chỉnh như nguyện vọng của nhân dân làm sao cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu phiên bế mạc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu phiên bế mạc

Tại phiên bế mạc, khi nói về kết quả kỳ họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp, tích cực đổi mới, linh hoạt theo yêu cầu thực tế và đúng nguyên tắc.

“Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng. Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết được thông qua ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ĐB ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), thì không chỉ riêng cá nhân ông mà nhiều ĐB khác cũng băn khoăn bởi theo chương trình xây dựng pháp luật thì kỳ họp lần này còn nhiều dự thảo Luật chưa được thông qua. Có thể việc đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng dù sao cũng cho thấy công tác xây dựng pháp luật của chúng ta còn có nhiều vấn đề tiếp tục cần được cải tiến.

“Mong rằng điều này sẽ được xem xét và rút kinh nghiệm ở các kỳ họp sau”, ĐB Sơn nói.

Kỳ vọng một nền kinh tế “khỏe”

Hoạt động lập pháp không còn khép kín trong phòng nghị sự nữa mà cả ở hành lang Quốc hội và “hành lang” báo chí, lan rộng ra đến toàn xã hội. Đó là biểu hiện của dân chủ trong lĩnh vực lập pháp, người đóng góp ý kiến đầy tính chất xây dựng và học thuật, đem hơi thở gấp gáp của cuộc sống vào nghị trường, người tiếp thu ý kiến với thái độ lắng nghe và cầu thị. Sợi dây gắn bó giữa Quốc hội với cử tri bền chặt hơn, đó chính là tiền đề cho sự đồng thuận và cơ sở để xây dựng nên những đạo luật phù hợp cuộc sống, kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc phái sinh và có tính khả thi cao. 

Đánh giá về kỳ họp, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, tại kỳ họp này nhiều vấn đề về kinh tế và pháp luật về kinh tế được quốc hội thông qua, những quyết định của Quốc hội về việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt những biện pháp thúc đẩy quá trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo báo cáo giám sát của thường vụ quốc hội về những quyết định của pháp luật về luật cạnh tranh và luật phòng chống tham nhũng tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trở nên cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn, là yếu tố nền tảng cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể nói, trong suốt kỳ họp rất nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội đã được các ĐBQH nêu, đưa ra thảo luận nhưng có lẽ điều được bàn luận nhiều nhất đó là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng các Bộ. Theo đánh giá của nhiều ĐB, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng lần này, đã giải quyết cơ bản các vấn đề ĐB và cử tri quan tâm, đặc biệt có những câu hỏi ĐB nêu thực sự đang là mối day dứt, là nỗi lòng của nhiều đồng bào cử tri tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nhiều ĐB đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng

Nhiều ĐB đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), trong các phiên chất vấn với các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ thì phương thức chất vấn đã đổi mới, trong đó thể hiện rõ nhất  là khi cử tri đặt ra nhiều vấn đề còn băn khoăn thì đã được các ĐBQH chuyển tải thành các câu hỏi với các thành viên Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã trả lời thỏa đáng, trực diện vào những vấn đề mà cử tri đặt ra.

“Thành công chất vấn nổi bật nhất không chỉ là việc chất vấn bộ trưởng, mà thực ra là cơ hội để bộ trưởng bày tỏ các mong muốn, ý tưởng chỉ đạo của ngành mình trước Quốc hội cũng như cử tri”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.

Tuy nhiên, với thời lượng quá ngắn những vấn đề ĐB nêu và những câu trả lời từ các bộ trưởng, như nhiều ĐB nhận xét thì cũng chỉ là những điều “căn cơ nhất”.

Nhận xét về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói: “Bộ trưởng đã thành tâm tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, và quan trọng là Bộ trưởng đã đưa nhiều lời hứa với cả những vụ việc cụ thể như sẽ cho đi kiểm tra ngay, thị sát ngay, giải quyết ngay và cả những lời hứa ở tầm vĩ mô đối với những đề án như hiện đại hóa hệ thống đường sắt Bắc Nam. Đó là những lời hứa và chúng ta sẽ chờ đợi xem trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ GT-VT sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào”…

Vẫn còn đó nhiều câu hỏi rất cần câu trả lời, sẽ tiếp tục gửi trực tiếp bằng văn bản và chờ bộ trưởng trả lời sau. Song, điều quan trọng nhất cũng là điều mà các ĐB quan tâm đó là sau các phiên chất vấn, những câu hỏi và những câu trả lời, thậm chí cả những “lời hứa” từ các vị bộ trưởng liệu có được thực hiện và khi nào sẽ thực hiện? - có lẽ rất nhiều cử tri vẫn đang và sẽ tiếp tục “chờ đợi”.

Được biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát và Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.

Kỳ họp kết thúc đạt được nhiều kết quả và để lại nhiều dấu ấn đối với các ĐBQH và cử tri cả nước, nhưng với những người đứng đầu các Bộ, ngành, thành viên Chính phủ thì trọng trách sẽ nhiều hơn.

Theo lời Phó chủ nhiệm Ủy Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, tất cả những gì mà Quốc hội đã làm cũng hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân. Và, theo ĐB Nguyễn Bá Sơn “kể cả việc ĐB bấm nút thông qua các dự luật tại kỳ họp này” cũng thể hiện Quốc hội hướng đến lợi ích của dân.

Do đó, dù kết thúc kỳ họp nhưng Chủ tịch Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh: “đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát”.

Hồng Hương