Đề xuất tăng thuế rượu bia để giảm tiêu thụ?
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2017 lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016.
Để giảm tiêu thụ rượu bia, một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức báo động
Con số này đã sát mục tiêu đạt 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam do Bộ Công thương phê duyệt. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm.
Dự báo mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục gia tăng vì theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỉ lít bia và dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt sẽ “cạn chén” 52 lít bia mỗi năm.
Đáng chú ý, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên qua, trong khi ở Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều "thẳng đứng". Thống kê cho thấy, năm 2008 Việt Nam mới đứng thứ 8 Châu Á về tiêu thụ bia, nhưng đến năm 2016 đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực.
Nhìn nhận con số này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cảnh báo, lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới.
Thống kê của WHO cũng cho thấy, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% - 12% GDP của mỗi quốc gia. Trên thế giới hiện nay đã có 33 nước cấm hoàn toàn hoạt động khuyến mại, tài trợ bia gắn với các sự kiện thể thao.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế, sử dụng rượu bia dù ít vẫn có mối liên quan với nhiều loại bệnh ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng…
Có thể bạn quan tâm
Không nên cấm rượu bia theo giờ
13:36, 18/04/2018
70% dẫn đến tai nạn giao thông từ uống rượu bia
04:33, 30/09/2017
Tại sao khi uống rượu bia say mèm rồi bạn sẽ chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra?
11:00, 12/05/2017
Đà Nẵng “tuyên chiến” với rượu bia, ngăn ngừa tai nạn
15:20, 15/09/2016
Thí điểm kinh doanh rượu bia an toàn tại 3 thành phố lớn
00:00, 09/02/2015
Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia từ 22h
00:00, 19/07/2014
Muốn mua rượu bia, thuốc lá phải trả thêm tiền
00:00, 17/02/2014
Ôtô, điện thoại, rượu bia sẽ bị kiểm soát đặc biệt về giá
00:00, 26/01/2011
Chỉ tăng thuế thôi là chưa đủ
Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, để giảm tiêu thụ rượu bia, các biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất. “Trên thế giới đã có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán. Trên 90% quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia trung bình” ông Nam nhấn mạnh.
Hiện tại, dù nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia đã tăng lên 60% từ năm 2017 và tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018 nhưng với lượng tiêu thụ liên tục gia tăng, doanh số và lợi nhuận của các công ty ngành bia vẫn tăng.
Về vấn đề này, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện tại, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam với rượu bia còn thấp so với thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Thịnh, chỉ tăng thuế thôi thì không đủ để phòng tránh tác hại của rượu bia.
“Phòng ngừa tác hại rượu bia hiệu quả cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Tăng giá và kiểm soát rượu bia lậu. Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại và tài trợ. Ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia”, ông Thịnh nói.
Mặt khác, ông Thịnh cho rằng, nếu muốn hạn chế mặt hàng nào đó thì Nhà nước sẽ tăng thuế nhưng khi tăng thuế thì phải kiểm soát được buôn lậu, trốn thuế. Còn nếu không tăng cường những biện pháp kèm theo thì việc tăng thuế cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.