Cải cách môi trường kinh doanh: Thời gian và đột phá là yếu tố quyết định thành công
Đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018” ngày 19/6.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh, cùng với thời gian, cải cách cần thêm yếu tố đột phá.
Đột phá - thiếu và yếu
Năm 2000, chúng ta có Luật Doanh nghiệp, tại thời điểm đó cải cách mang tính đột phá là thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được rút ngắn từ 1 năm 6 tháng xuống còn 15 ngày. Chi phí từ vài cây vàng xuống còn vài trăm nghìn đồng.
Như vậy, năm đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tương đương với 10 năm trước đó. Rõ ràng, nếu không có cải cách đột phá thì không thể tạo đà cho sự thúc đẩy phát triển này. Từ năm 2000 đến 2003, chúng ta bãi bỏ hoàn toàn160 giấy phép kinh doanh chứ không phải “nhặt nhạnh” các điều kiện kinh doanh, lập tức quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao.
“Cho nên, muốn phát triển thì phải đột phá, hiện nay chúng ta rất thiếu vắng điều này và bị kiềm chế bởi chậm đột phá”, ông Hiếu nói.
Một trong những trọng tâm của cải cách là xóa bỏ điều kiện kinh doanh, nhưng ông Hiếu đặt câu hỏi đến lúc nào mới hoàn thành mục tiêu này? Tháng 8/2017 Nghị quyết 98 lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành bãi bỏ và cắt giảm từ 30 – 50% tổng số điều kiện kinh doanh. Tháng 1/2018, Bộ đầu tiên và duy nhất hoàn thành việc này lần thứ nhất là Bộ Công Thương, đó là ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực thuộc lĩnh vực công thương, cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh.
Nhưng đến tháng 6/2018, các bộ khác vẫn đang trong quá trình rà soát, xây dựng phương án, bộ đi nhanh nhất cũng mới đang lên dự thảo các văn bản ở cấp Nghị định để dự kiến trình Chính phủ thông qua về bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh không chỉ nằm ở Nghị định mà còn được quy định trong các luật, như vậy muốn sửa luật thì chắc chắn không thể tính theo tháng, mà phải tính bằng vài năm.
Và câu hỏi ông Hiếu đặt ra, để hoàn thành cắt giảm các điều kiện kinh doanh phải mất bao nhiêu năm mới có thể hoàn thành theo đúng yêu cầu và mong muốn của Chính phủ?
“Tôi cho rằng, nếu làm tốt trong vòng 2 năm tới, với một nỗ lực cao nhất để hoàn thành việc này cũng đã làm một thành công lớn. Như vậy, thách thức lớn nhất trong cải cách thể chế và xóa bỏ các rào cản kinh doanh là thời gian”, ông Hiếu nói.
Ở góc nhìn khác, điều khiến ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảm thấy bối rối, đó là có nhiều điều kiện kinh doanh dành cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn cao và bất bình đẳng hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông Tuấn đưa ra ví dụ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Doanh nghiệp FDI hoạt động theo Nghị định 73/2012, còn doanh nghiệp trong nước lại hoạt động theo Nghị định 46/2017.
Doanh nghiệp FDI muốn đầu tư thì phải có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp tư nhân trong nước phải có 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư trường đại học trong nước phải có diện tích đất tối thiểu 5 ha, nhưng doanh nghiệp FDI lại không bị ràng buộc này.
Doanh nghiệp FDI có thể thuê trụ sở, còn doanh nghiệp Việt Nam thì bắt buộc phải xây trụ sở; doanh nghiệp FDI được tự chủ về quản lý và bổ nhiệm hiệu trưởng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam nếu đầu tư trường đại học tư thì bị quản lý rất chặt chẽ, hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm…
Cải cách phải là yếu tố thúc đẩy phát triển
Vẫn theo ông Tuấn, qua thực tế đó mới nhận thấy rằng hiện nay có rất nhiều điều kiện kinh doanh đang ưu ái doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương tốt hơn doanh nghiệp trong nước, được ưu đãi và “trải thảm” hơn.
“Thông điệp ở đây tôi muốn nói, chúng ta không phải thay đổi chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, nhưng khu vực tư nhân trong nước cũng cần phải được quan tâm, thụ hưởng ưu đãi từ chính sách tốt hơn trong thời gian tới để khu vực này mạnh hơn trong tương lai. Vì suy cho cùng, mới là nền tảng, trụ cột của nền kinh tế Việt Nam”, ông Tuấn bày tỏ.
Còn theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thách thức tiếp theo đó là cải cách mới đang từ tư duy xóa bỏ rào cản, nghĩa là những gì vướng thì gạt ra và bỏ đi. Nhưng ở các nước, về cơ bản đã chuyển sang một tầm cao khác, cải cách phải là yếu tổ để thúc đẩy phát triển, chứ không chỉ là dỡ bỏ rào cản.
Trong khi đó, tại thời điểm này chúng ta mới đang tập trung được 2 việc, đó là xóa bỏ những rào như gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Thứ hai, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Nhưng một loạt các yếu tố giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lại chưa có một chủ trương thật rõ nét. Đơn cử, rủi ro pháp lý là yếu tố tác động rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp, điểm vướng này khiến doanh nghiệp không thể kinh doanh dài hạn và bền vững nếu họ phải chịu nhiều rủi ro về mặt pháp luật.
Tiếp đến là sự an toàn trong kinh doanh, nếu muốn thu hút nhà đầu tư, điểm nhấn đầu tiên là an toàn. Trong đó, việc bảo quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ là điều rất quan trọng với các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Điểm nhấn nữa của cải cách là trong quá trình phát triển không thể thiếu mà phải đặt ra ngay từ bây giờ, và coi đó như một trọng tâm của cải cách theo ông Hiếu đó là cạnh tranh. Nếu chúng ta không thúc đẩy và có được một chính sách cạnh tranh để các doanh nghiệp coi đó là động lực thì sẽ là một thiếu sót.