Sóc Trăng đang vươn lên mạnh mẽ
Đó là ý kiến đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Sóc Trăng diễn ra vào sáng nay 19/6.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiềm năng phát triển của tỉnh Sóc Trăng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sóc Trăng có hai mặt tiền đó là biển Đông và sông Hậu - một nhánh của sông Mê Kông, đất đai màu mỡ có nhiều tiềm năng để phát triển trên cả 3 trụ cột, đó là: nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, thủy sản sạch và du lịch sinh thái gắn với phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
“Không chỉ con tôm, con cá hạt gạo của Sóc Trăng hơn nhiều địa phương khác mà nơi đây còn được biết đến là vùng cây trái miệt vườn với nhiều loại cây lành, trái ngọt ít có nơi nào sánh bằng. Sóc Trăng còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hóa đa bản sắc với nhiều lễ hội độc đáo của 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa; 200 ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và nhiều món ăn dân dã hấp dẫn du khách.. Đó chính là điều kiện về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để đưa Sóc Trăng phát triển nhanh hơn.
Để phát hết huy tiềm năng, thế mạnh của mình, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng cần năng động, sáng tạo hơn trong cách nghĩ, cách làm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách về thu hút nhân tài; tạo quỹ đất sạch để đón nhà đầu tư. Chính phủ cam kết ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện tốt cho nhà đâu tư, doanh nghiệp phát triển bền vững”, Thủ tướng dặn dò địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Văn Hiếu, đánh giá: thời gian gần đây tỉnh Sóc Trăng đã có tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Kết quả ban đầu địa phương đã thu hút được các dự án lớn, thu hút đầu tư nước ngoài cũng có sự chuyển biến tích cực.
Theo Thứ trưởng Hiếu những việc mà Sóc Trăng cần thực hiện ngay là tập trung rà soát quy hoạch các ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy tốt nhất tiềm năng thế mạnh của địa phương; Có chính sách để thu hút thêm các dự án lớn để tạo sự lan tỏa thu hút đầu tư; Quan tâm thu hút các dự án PPP vào lĩnh vực hạ tầng thiết yếu để hòan thiện hạ tầng kết nối trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong thu hút nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cảng, logistics.
Đánh giá cao tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn FLC cho biết FLC chuẩn bị đầu tư dự án về bất động sản, khu vui chơi giải trí quy mô lớn tại trung tâm TP. Sóc Trăng.
Còn theo ông Kyi Hak Sung, Chủ tịch Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc) nhận định nếu không có sự ủng hộ và tận tâm giúp đỡ hỗ trợ của địa phương thì Tập đoàn Youngone khó có được dự án quy mô 8.000 lao động được triển khai tại đây.
Theo TS Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ: Sóc Trăng có các thế mạnh mà nhiều nơi không có đó là: lúa đặc sản, tôm, cảng nước sâu, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời, du lịch. Tuy nhiên, Sóc Trăng muốn thóat vùng trũng thì phải quy hoạch xác định lại thế mạnh gắn với hợp tác phát triển nguồn lao động chất lượng cao.
Tại hội nghị này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án với tổng mức vốn đầu tư 122.880 tỷ đồng. Trong đó: trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư 25 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 22.646 tỷ đồng. Trao văn bản cam kết đầu tư cho 22 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 100.234 tỷ đồng. Vận động các mạnh thường quân đóng góp vào Quỹ an sinh xã hội trên 110 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra lễ ký kết giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với UBND tỉnh Sóc Trăng về phối hợp trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Ký cam kết hỗ trợ tín dụng của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với UBND tỉnh Sóc Trăng.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành: Doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khi tham gia đầu tư kinh doanh tại Sóc Trăng ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm nông nghiệp và chế biến nông thủy sản. Tại ĐBSCL, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều thế mạnh, là cửa ngõ ra biển Đông của sông Mekong, có bờ biển dài, có điều kiện thuận lợi nuôi trồng phát triển thủy sản, đặc biệt là tôm và các loại hải sản, đóng góp rất lớn cho ngành thủy sản nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Cùng với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp nhiều vào sự phát triển của khu vực cũng như của đất nước. Ngoài thế mạnh về điều kiện tự nhiên, Sóc Trăng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về điều hành của chính quyền địa phương. Kết quả PCI 2017 cho thấy, mặc dù kết quả chung PCI chưa cao nhưng Sóc Trăng là tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao về Chi phí gia nhập thị trường, trong đó doanh nghiệp đăng ký và hoàn thành các thủ tục để đi vào hoạt động kinh doanh rất thuận lợi và nhanh chóng, đứng thứ 2 cả nước. Sóc Trăng cũng là tỉnh đứng đầu cả nước ít gặp khó khăn nhất về đất đai khi tiếp cận và mở rộng mặt bằng kinh doanh. Bên cạnh đó, Sóc Trăng là tỉnh được đánh giá cao về chi phí thời gian hiệu quả, nằm trong tốp 5 cả nước với sự đánh giá cán bộ công chức thân thiện và thời gian thanh kiểm tra rất ít. Chi phí không chính thức là điểm mạnh của Sóc Trăng, xếp thứ 4 cả nước, cho thấy doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khi tham gia đầu tư kinh doanh tại Sóc Trăng...v.v... Tuy nhiên để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, trong đó phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đòi hỏi Sóc Trăng cần rất nhiều nỗ lực. Việc nỗ lực cải cách để tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền cấp tỉnh. Các vấn đề chưa phải là thế mạnh của tỉnh như chất lượng lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp mặc dù có cải thiện gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó tỉnh cần năng động hơn và thực sự tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đây là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp mong muốn và chúng tôi, VCCI rất quan tâm và sẽ cùng chính quyền thực hiện. |