Vụ Thủ Thiêm: Cử tri đề nghị lãnh đạo TP HCM nhìn thẳng vào sự thật
Thực hiện lời hứa với người dân Thủ Thiêm, chiều 20/6, Bí thư Thành Ủy TP HCM dẫn đầu đoàn ĐBQH TP. HCM tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm.
Buổi tiếp xúc có gần 500 cử tri quận 2 tham dự, với hơn 140 người đã đăng ký phát biểu.
Cử tri Nguyễn Hảo Hạng (phường An Khánh) cho rằng thành phố cần phải công khai, minh bạch quy hoạch đô thị Thủ Thiêm, căn cứ vào QĐ 367 ngày 4/6/1996 của TT Chính phủ hay QĐ 6565 ngày 27/12/2005 của UBND Thành phố?
Chính quyền quận 2 đã cho áp giá theo Nghị định 22 CP và Luật Đất đai 1993 đã hết hiệu lực pháp luật. Trong khi đó, hiệu lực pháp lý tại thời điểm đền bù là Nghị định 84 CP và Luật đất đai 2003 và nhiều văn bản pháp luật bổ sung từ 2003 đến nay.
Theo ông Hảo, chính quyền quận 2 không cho người dân tham gia thỏa thuận giá cả, mà tự tiện áp đặt giá theo chiết tính 1866AK ngày 29/5/2009 là: Giá đất ở 2.380.000đ/m2; Giá xây dựng kiến trúc là 1.400.000đ/m2. Trong khi đó, thực tế tại cùng thời điểm, giá đất ở đường Lương Định Của là 65.000.000đ/m2 và đường Trần Não là 85.000.000đ/m2. Như vậy là quá bất hợp lý.
Từ những bất hợp lý này, ông Hảo "đề nghị thành phố thu hồi và hủy Quyết định đền bù 790/QĐ/UBND Q2 ngày 3/6/2009 của UBND quận 2 kèm theo chiết tính 1866AK ngày 29/5/2009 của UBND quận 2 do ông Nguyễn Cư ký; Thu hồi, hủy bỏ quyết định 10766/QĐ – UBND quận 2 về việc bác bỏ khiếu nại của dân do Chủ tịch UBND quận 2 Tất Thành Cang ký".
Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho biết, Khu đô thị mới Thủ Thiêm có quyết định của Chính phủ từ năm 1996, từ đó đến nay qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và lần nào hội trường cũng nóng. "Cử tri chúng tôi phát biểu nhiều, gửi đơn theo trình tự pháp luật nhưng vấn đề đền bù giải tỏa hầu như không được giải quyết đến nơi đến chốn", ông Thịnh nói.
Ông cho rằng trong khi người dân phát biểu dựa trên các văn bản pháp lý của dự án thì cơ quan chức năng lại viện dẫn quanh co, bao biện. Vì vậy, ông Thịnh đề nghị lãnh đạo nhìn thẳng vào sự thật. Phải cho thanh tra toàn diện tính pháp lý khu đô thị mới Thủ Thiêm về quy mô quy hoạch trên bản đồ và thực tế hiện nay thay đổi như thế nào? 160 ha giáp ranh liền kề đang nằm chỗ nào nói cho cử tri biết.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hùng Việt (phường Cát Lái) cho biết gia đình ông ở trên miếng đất có lịch sử trên 100 năm, đã chấp nhận giao đất cho thành phố phát triển, nhưng 6 năm qua sự việc bồi thường, giải tỏa của gia đình ông vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
"Tôi thấy rất thất vọng. Sự việc cứ đá lên đá xuống không giải quyết dù Đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn rất nhiều lần", ông Việt nói.
Ông Việt đề nghị được trả lại bằng khen của UBND TP HCM tặng cho gia đình ông vì chấp hành tốt chủ trương giải tỏa, bồi thường đất đai cho phát triển dự án Thủ Thiêm.
Có thể bạn quan tâm
Cử tri Thủ Thiêm mong muốn gì trước cuộc gặp Bí thư Nguyễn Thiện Nhân?
09:31, 20/06/2018
Vụ Thủ Thiêm là vấn đề bức xúc của cử tri
11:00, 16/05/2018
Thủ tướng: Phải nhìn thẳng sự thật dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm
21:29, 15/05/2018
Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân Thủ Thiêm
19:54, 15/05/2018
Từ Thủ Thiêm nhớ bài học cổ nhân
12:13, 11/05/2018
TP HCM: Cử tri Quận 2 đề nghị thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm
19:21, 09/05/2018
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc là bản đồ cũ năm 1996
19:45, 03/05/2018
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thị Nga cho biết, người dân Thủ Thiêm đã mệt mỏi, không còn biết cách làm nào nữa. “Sức đâu mà đi kiện mấy chục năm trời, từ lúc còn xanh đến lúc bạc trắng đầu. Tôi chỉ mong sẽ sáng tỏ việc thu hồi đất có đúng trình tự hay không", bà mong mỏi. “Chúng tôi khổ lắm, giờ chỉ mong mỏi được giải quyết nhanh gọn, chính xác để bà con bớt khổ” – bà Lê Thị Nga nói với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.
Trao đổi với bà con Thủ Thiêm, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói: "Hôm qua tôi đến khu tạm cư để xem người dân sống thể nào, có nên sống như thế nữa không" rồi ông Nhân trả lời luôn: "Không nên sống như vậy nữa".
"Dù bà con chưa đồng tình nhận chỗ mới, nhưng để bà con ở tạm cư như vậy không được. Trong khi chờ giải quyết theo pháp luật, không để cho người dân sống như thế nữa. Vào khu tái định cư ở cho đỡ khổ, chấm dứt tình trạng ở tạm cư nheo nhóc" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
"TP bàn hướng ghi nhận bức xúc của người dân. Chỉ trả tiền điện, nước, không phải trả tiền nhà, chi phí vệ sinh. Chỉ ở tạm chờ giải quyết. Thành ủy không gạt bà con, mà chỉ ở để thay đổi điều kiện sống, chờ giải quyết. Đây là một ngoại lệ vì trước giờ ngân sách TP chưa có chi để trả tiền nhà, giữ xe... miễn phí" - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.