Đồng hành cùng... chuyển đổi số
Bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất…
Để nắm bắt được xu thế mới này, không chỉ các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và cả công chúng cần đồng hành để từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Ông Vũ Huy Đông – Chủ tịch HĐQT,TGĐ Công ty CP Dam San:Thách thức cho mọi lĩnh vực
Xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) tạo ra nhiều biến động, đưa nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là rất nhiều thách thức cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế, chính vì vậy, năm 2018 báo chí Việt Nam cũng như các ngành khác cần thay đổi tư duy, nếu không chuyển đổi số kịp thời thì sẽ không còn giữ được vị thế của mình trên thị trường mà ngay cả sự tồn tại của doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn.
Tôi xin minh chứng như sự xuất hiện chuỗi cửa hàng của Amazon không cần check out, không cần người theo dõi, giám sát sẽ khiến cho các doanh nghiệp thương mại nói chung các doanh nghiệp CNTT nói riêng gặp khó khăn lớn.
Còn ở lĩnh vực báo chí, công nghệ 4.0, đòi hỏi nhà báo phải tự vươn lên, thành thạo trong việc sử dụng thiết bị thông minh, đặc biệt, nhà báo phải làm chủ thông tin, không để bị bơi trong bể thông tin mà không thể định hướng, không để mạng xã hội dẫn dắt. Thách thức là môi trường làm báo hiện đại, kết nối khiến nhà báo dễ đi vào sức ép của thị trường và thời gian làm báo, do đó có thể thiếu kiểm soát, kiểm chứng khi đưa tin. Điều này đòi hỏi người làm báo song song với việc nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Ông La Quang Trí - CEO tại ShipOffer Corp:Hiệu ứng thông tin và cái tâm của người làm báo
Công nghệ thông tin và truyền thông phát triển tạo ra nhiều lợi ích, nhưng đôi khi nó bị lợi dụng đưa đến cho công chúng những thứ giả dối đến dễ sợ? Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội ngập tràn thông tin “uống nước đun sôi để nguội vô cùng nguy hiểm”, ở đó người ta dẫn ra một loạt tác hại khủng khiếp của việc uống nước đun sôi để nguội. Người thân, người bạn của tôi cũng share, inbox thông tin này vì lo ngại lâu nay mình chỉ dùng nước đun sôi để nguội. Nếu đúng vậy, hàng vạn năm nay không biết có bao nhiêu trường hợp đã chết vì… uống nước. Ừ, cũng đúng, có nhiều người chết do uống nước đun sôi để nguội do... già. Và họ đã xử lý sự nguy hiểm của việc uống nước đun sôi như thế nào? Là… đừng đun nước nữa mà mua bình lọc nước của hãng... acb nào đó.
Công thức chung của họ là: Đưa thông tin nhiễu, tạo hoang mang, bán hàng. Có thêm sự góp sức của vài “nhà khoa học”, “chuyên gia”, "nhà nghiên cứu"... thì hiệu ứng càng cao. Cuối cùng, kết quả sẽ là những đám đông ngơ ngác, hốt hoảng, nghiêng bên này, ngã bên kia và cuối cùng sa vào cái bẫy họ giăng ra rất ngọt ngào.
Vì thế, tôi muốn nói đến cái tâm của người làm báo, truyền thông.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours):Lợi ích từ công nghệ
Có thể nói rằng, thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay làm thay đổi toàn bộ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, doanh nghiệp du lịch càng không nằm ngoài xu thế này, nếu không thay đổi cũng không được, vì không thay đổi sẽ bị loại trừ.
Lý do thứ nhất, ứng dụng công nghệ xuất hiện trên thị trường mang lại những tiện ích vượt trội cùng tính chất thay đổi của công nghệ; thứ hai, vì sự cạnh tranh; lý do tiếp theo cho quá trình chuyển đổi số tất yếu của doanh nghiệp là xu hướng khách hàng thay đổi theo công nghệ, điều này rất quan trọng; thứ tư, về mặt quản trị, một doanh nghiệp theo cách truyền thống phụ thuộc quá nhiều vào nhân sự, một trong những hệ quả dẫn tới là khi “gãy” một người là mất cả guồng. Công nghệ cũng mang lại cho doanh nghiệp nói chung nhiều lợi ích về mặt quản trị. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp loại trừ bớt hệ quả của việc “chảy máu nguồn nhân lực”. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc chảy máu nguồn nhân lực trong ngành du lịch rất nhiều, nên bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin. Các vấn đề về quản trị khác từ tác động của công nghệ số như giảm lệ thuộc hồ sơ, giấy tờ truyền thống chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử, dữ liệu số… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, văn hóa công ty, quy trình làm việc… đều chính xác từ kinh nghiệm thực tế của tôi.
Ông Huỳnh Tấn Nam – Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu tỉnh Phú Yên: Đòi hỏi hơn nữa sự sáng tạo của báo chí
Trong bối cảnh các dòng chảy thông tin thiếu kiểm chứng có thể phát tán ở bất cứ đâu trên mạng internet, trực tiếp đến từng người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay thì các cơ quan báo chí chính thống phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình về những thông tin đăng tải, thể hiện tính xác thực của thông tin.
Người làm báo cần thể hiện rõ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của chính mình. Bên cạnh đó, báo chí phải tiếp tục hành động, sáng tạo, đổi mới, hướng tới việc đưa sản phẩm báo chí thành một nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, doanh nhân… nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động nói riêng và hòa nhập cho sự phát triển chung của toàn xã hội.
Báo chí nói chung, các phóng viên, nhà báo nói riêng cũng cần phải sáng tạo hơn nữa trong việc nâng cao nghiệp vụ để cho ra những sản xuất phẩm chất lượng, những ấn phẩm không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải đẹp cả về nội dung “thông tin đa dạng, hình ảnh thiết thực, đa chiều, tăng cường đăng tải những thông tin người tốt việc tốt đặc biệt là “gương doanh nhân tiêu biểu, doanh nghiệp tiêu biểu, người tốt, việc tốt”, thay vì chỉ phản ánh một chiều, hạn chế, tiêu cực của doanh nhân, doanh nghiệp.
Ông Chu Tuấn Anh - Giám Đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech:“Phải có tư duy và cách làm đổi mới dù có thể gặp phải khó khăn”
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là nền tảng để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trong tương lai. Doanh nghiệp sẽ gặp phải 2 thách thức chính trong việc ứng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. Một là, áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý là tất cả các quy trình công việc, tuyến công việc được hệ thống hoá, nhân viên được quy hoạch, mô tả công việc, KPI... rất rõ ràng. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu hàng ngày doanh nghiệp chưa có sự chuẩn hoá, chưa có quy trình chuẩn hoá một cách thực sự, khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay.
Hai là, trong quá trình chuyển đổi, điều quan trọng nhất là tư duy của mỗi con người trong hệ thống quản lý, cần thiết phải có tư duy thực sự đổi mới, luôn luôn đón nhận cái mới cho dù có thể gặp phải khó khăn. Và những người làm công tác quản lý phải thay đổi cách làm việc của mình để phù hợp với quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Kosy:Buộc phải thay đổi
Ở bất cứ giai đoạn nào, báo chí đều có vai trò quan trọng song hành trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh công nghệ hiện đại như hiện nay, bản thân doanh nghiệp phải có thay đổi trong cách làm truyền thông. Chúng tôi đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách nhanh nhất hoặc tổ chức những chuyến đi thực tế cho phóng viên thay vì thụ động như trước kia. Nhờ đó mà nhiều phóng viên, nhà báo có cơ hội đến những nơi xa xôi, hẻo lánh; trải nghiệm nhiều khía cạnh cuộc sống để có tiếng nói khách quan, trung thực trong mỗi bài viết.Trong thời đại mới, công nghệ vô cùng quan trọng nhưng không thể thay thế cái tâm của người làm báo. Vì mỗi người làm báo sẽ có nhận định khác nhau theo thế giới quan của mình. Những người làm báo luôn luôn phải tôn trọng sự trung thực, công bằng, và ít nhất những điều đó hiện nay công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng chưa thể làm được.
Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Hà:Tùy thuộc... nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp
Quá trình “số hóa”, đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á khi các doanh nghiệp của Thái Lan, Philippines, Indonesia được đánh giá là tích cực đầu tư cho công nghệ mới.
Thực tế, tại Việt Nam rất ít doanh nghiệp Việt Nam tin rằng sự tăng trưởng đến từ việc tận dụng công nghệ như quan điểm của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam thích sử dụng các cách thức truyền thống để tăng trưởng. Họ chọn cách mở rộng kinh doanh ra thị trường mới; hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ khác thay vì sử dụng thương mại điện tử như phần đông doanh nghiệp toàn cầu. Hiện nay, thị trường và người tiêu dùng Việt Nam không nằm ngoài những xu hướng chung trên toàn thế giới.
Vì vậy, việc thay đổi để mang lại những trải nghiệm mới lạ cho khách hàng là rất quan trọng với doanh nghiệp. Nhìn chung các doanh nghiệp vẫn thực hiện chuyển đổi số theo cách thức rất truyền thống là ứng dụng các phần mềm riêng lẻ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị. Hay nói cách khác là ứng dụng kiểu “fast follower” - đi theo sau những người đã thành công. Bên cạnh đó là mức độ đầu tư còn khá hạn chế. Điều này ngược với xu thế hiện nay, khái niệm chuyển đổi số đã thay đổi. Đó phải là việc ứng dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, quy trình phục vụ khách hàng hoặc thay đổi quy trình sản xuất... Đầu tư cho công nghệ cần được nhìn theo hướng đổi mới, sáng tạo, nghĩ là có rủi ro kèm theo và mang tính dài hạn. Việc chuyển đổi phải mang tính hệ thống, có nền tảng cũng như có cơ chế rõ ràng để quá trình diễn ra liên tục.
Bà ĐẶNG THỊ KIM OANH - TGĐ CTCP ĐỊA ỐC KIM DOANH: Tương tác báo chí và doanh nghiệp ở chiều kích mới
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra một thế hệ độc giả có nhiều đòi hỏi khác biệt. Truyền thông của doanh nghiệp trong mối quan hệ tương tác với báo chí và quan hệ công chúng cũng đã và đang dần trở nên khác đi. Mặc dù, nền tảng mối quan hệ cùng đồng hành, tương hỗ lẫn nhau giữa báo chí-doanh nghiệp để hai bên cùng hoàn thành các nhiệm vụ, sứ mệnh được giao và trách nhiệm đối với người đọc vẫn còn nguyên đó, tiếp tục là cơ sở để truyền thông của doanh nghiệp trong mối tương tác cùng báo chí phát triển ở một chiều kích mới.
Trong những năm gần đây, báo chí cũng đã tích cực phối hợp và khai thác, phản ảnh thông tin doanh nghiệp đa chiều, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc tạo dựng thương hiệu, sự minh bạch thông tin, xây dựng niềm tin trong lòng khách hàng, đối tác, người tiêu dùng. Một mặt khác, chuyển đổi số và công nghệ 4.0 vào báo chí, vào các kênh thông tin cũng đã và đang là thách thức của DN rất lớn, với các khủng hoảng truyền thông từ một vài thông tin chưa kiểm chứng hoặc thông tin chưa đầy đủ tới một bộ phận người đọc… Trong tương lai, để bắt nhịp cùng báo chí chuyển đổi số, tôi cho rằng DN cũng phải nắm bắt thấu hiểu bản chất tương tác thông tin trên cơ sở hạ tầng công nghệ mềm. Các xu hướng truyền thông cũng sẽ chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa trong trường tương tác cùng báo chí hiện đại, theo hướng ngày càng cởi mở, trung thực và minh bạch, với quan điểm tất cả cùng hướng sự cảm nhận, đánh giá khách quan, tôn trọng các đối tượng tiếp nhận thông tin.
Ông Hoàng Văn Hợi – Giám đốc Công Ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản Giảm thiểu rủi ro khi doanh nghiệp ứng công nghệ 4.0
Với phương diện là nhà cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, chúng tôi thấy việc doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Cách đây 3 năm, khi tư vấn, lắp đặt hệ thống cemara, phần mềm hệ thống cảm biến dưới nước cho doanh nghiệp nuôi cá ngừ trong lồng bè trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà, đến nay chủ cơ sở đã nhìn nhận được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trên thực tiễn sản xuất, nuôi trồng của mình. Sau khi ứng dụng công nghệ nói trên vào thực tiễn, doanh nghiệp cũng thấy tự tin hơn về việc đầu tư nuôi cá ngừ trong lồng bè trên biển. Mặt khác, khi ký kết hợp đồng nuôi trồng với đối tác nước ngoài, họ cũng cảm thấy tự tin hơn vì chủ cơ sở ở Việt Nam đã có những ứng dụng khoa học tiên tiến để cho ra sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu. Đáng lưu ý nữa là khi lắp đặt hệ thống cemara, phần mềm cảm biến, chủ cơ sở nuôi cá ngừ trong lồng bè cũng giảm được rất nhiều chi phí, giảm thiểu được thời gian phải xuống thực tế hiện trường kiểm tra con giống của mình.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như trình độ kiến thức, chi phí đầu tư, nhận thức… nên việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay vẫn chỉ giới hạn ở con số rất khiêm tốn.