Chống tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu
Luật phòng chống tham nhũng mới cần có thời gian để kiểm chứng bằng thực tiễn, dĩ nhiên không một bộ Luật nào hoàn hảo đến mức bít được hết mọi “lỗ hổng”.
Chống tham nhũng như thế nào là dấu hỏi chưa bao giờ hết tính thời sự, từ mọi diễn đàn lớn nhỏ, ngay cả khi có nhiều vấn đề tưởng chừng sẽ lấn át tất cả. Ngoài hội trường Quốc hội, những buổi tiếp xúc cử tri là nơi thấy rõ những bức xúc về tình hình tham nhũng.
Với Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm” vẫn chưa lắng dịu dư luận, rồi đến một số lãnh đạo đã nghỉ hưu, trong đó có lãnh đạo lực lượng vũ trang ở địa phương khiến cử tri Lê Đình Thanh (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng) đặt câu hỏi “Bao giờ minh bạch được tài sản tham nhũng?”
Đây là câu hỏi khó, bởi một khi tài sản được minh bạch rõ ràng thì công cuộc chống tham nhũng không trở nên chông gai như vậy. Một trong những giải pháp hiện nay là công kê khai tài sản, nhưng con số cho thấy hơn 1 triệu 300 bản kê khai chỉ có 3 bản không trung thực!
Cử tri Vũ Đình Cảnh (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng) nghi vấn phải chăng nhiều lãnh đạo thành phố vừa bị “hỏi thăm” đã từng có những công ty “sân sau”? Cử tri này yêu cầu phải làm rõ biệt thự, biệt phủ…từ đâu, hay là nhờ “bán chổi đót”, “nấu rượu” mà có?
Có thể bạn quan tâm
Cử tri Đà Nẵng: Tham nhũng bao nhiêu ngàn tỷ mới nhận mức án cao nhất?
14:25, 21/06/2018
Phòng chống tham nhũng: Cần đề cao vai trò của báo chí, nhân dân
16:35, 13/06/2018
Cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng
14:00, 13/06/2018
Thuốc trị tham nhũng và công thức... đo đếm lòng trung thực
13:36, 13/06/2018
Luật Phòng, Chống tham nhũng không phải "con dao" duy nhất “cắt dây” tham nhũng
12:04, 13/06/2018
“Khoanh vùng” chống tham nhũng với người có chức, có quyền
11:30, 13/06/2018
Đại biểu Quốc hội đề nghị có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng"
10:47, 13/06/2018
Những ngành nghề “đặc biệt” mà một số lãnh đạo cấp Sở các địa phương đem ra làm lý do cho khối tài sản kếch xù thật sự không thuyết phục được lòng dân. Và vẫn một câu hỏi kinh điển, đến nay chưa ai trả lời được, đó là: Mức lương cán bộ công chức chỉ đủ sống, thế mà tài sản đâu nhiều thế!?
Ông Văn Đình Cảnh, một cử tri lớn tuổi kiến nghị, để chống tham nhũng phải quy trách nhiệm người đứng đầu, địa phương nào để xảy ra tham nhũng thì Chủ tịch, Bí thư địa phương đó phải chịu trách nhiệm liên đới.
Với đề xuất đánh thuế tài sản bất minh, nhiều cử tri bày tỏ thái độ quan ngại, mặc dù Luật phòng chống tham nhũng dành nguyên một chương mới quy định về chế độ minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo đó có nhiều “đầu mối” quản lý giám sát tài sản cán bộ công chức, gồm cơ quan đảng, thanh tra nhà nước và cơ quan khối tư pháp. Quy định này “chia nhỏ” đối tượng phải kê khai tài sản thành nhiều nhóm, tức là mới thay đổi về mặt “lượng”. Hay nói cách khác, mới giải quyết được câu hỏi: Ai quản lý tài sản cán bộ công chức?
Quan trọng là quản lý tài sản cán bộ công chức như thế nào, vẫn chưa có giải pháp sát sườn. Việc công khai tài sản thu nhập vẫn chưa được “mở” hoàn toàn, chỉ có một bộ phận nhỏ ứng viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân mới phải công khai tại hội nghị cử tri nơi ứng viên cư trú.
Về yêu cầu cung cấp kê khai tài sản chỉ những “người có thẩm quyền” mới được đáp ứng. Chưa thấy đề cập đến những đối tượng như báo chí và người dân trong việc tiếp cận những thông tin này.
Luật mới cũng quy định khi có “tố cáo” hoặc phát hiện tài sản tăng, giảm bất thường thì bị xác minh. Công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt được kết quả khả quan nhờ vai trò rất lớn của báo chí nói riêng và dư luận nói chung. Nên chăng phải tạo điều kiện rõ hơn cho tố cáo, phản ánh tài sản.
Luật phòng chống tham nhũng mới cần có thời gian để kiểm chứng bằng thực tiễn, dĩ nhiên không một bộ Luật nào hoàn hảo đến mức bít được hết mọi “lỗ hổng”. Cho nên, những băn khoăn trăn trở của cử tri và người dân cần được quan tâm lắng nghe nhiều hơn.