Xử lý hàng ngàn container phế liệu tồn đọng thế nào?
Phần lớn container này tồn quá 90 ngày (trên 2.200 container), số còn lại tồn 30-90 ngày.
Trong cuộc bàn phương án giải phóng container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng ở TP.HCM mới đây, các cơ quan liên quan đã thống nhất sẽ ưu tiên xử lý những container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày.
Việc giải phóng trên 3.000 container hàng phế liệu tồn tại cảng không hề đơn giản
Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng việc giải phóng trên 3.000 container hàng phế liệu tồn tại cảng không hề đơn giản, chỉ 1-2 tháng là xong mà rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan hải quan xử lý nhanh hàng hóa tồn, thay vì phải đợi 60-90 ngày theo quy định gây ùn ứ và ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp.
Trước mắt, đơn vị đã dành khu vực 20 ha ở cảng Long Bình (Đồng Nai) để chứa hàng phế liệu tồn đọng từ Cát Lái chuyển về trong thời gian chờ xử lý.
Theo đó, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu cho doanh nghiệp thay vì 5 ngày như hiện nay.
Đồng thời, chỉ cấp phép nhập phế liệu cho doanh nghiệp sản xuất thực tế, vì rủi ro tồn đọng hàng tồn là rất ít, không cấp cho doanh nghiệp thương mại, mua hàng phế liệu về để bán. Vì những doanh nghiệp này thường bỏ trốn, không nhận hàng.
Hiện các cảng trên địa bàn có khoảng 4.500 container hàng rác thải nhựa phế liệu đang bị tồn đọng. Trong đó, riêng cảng Cát Lái có 3.231 container nhưng đến 2.183 container hàng quá 90 ngày.
Có thể bạn quan tâm
Tìm giải pháp đối phó với rác thải công nghệ
15:46, 24/06/2018
Bất lực với 28.000 container rác thải công nghệ
05:18, 23/06/2018
Đẩy mạnh hoạt động đầu tư xử lý rác thải thành điện
05:00, 08/05/2018
Rác tồn ở cảng: Chuyện “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”!
11:00, 25/06/2018
Theo phương án được đưa ra, Cục Hải quan TP HCM sẽ chỉ đạo chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu, thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định.
Những container hàng phế liệu nào đạt tiêu chuẩn để làm nguyên liệu sản xuất, tái chế sẽ cho doanh nghiệp làm thủ tục thông quan, đưa về sản xuất, hoặc tổ chức bán thanh lý cho các cơ sở đủ điều kiện tái chế.
Các lô hàng kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn theo quy định nhập khẩu phế liệu và yêu cầu về môi trường sẽ tiến hành buộc tái xuất.
Đặc biệt, các bên thống nhất một số phương án cấp bách để quản lý, trong đó, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với Cục hải quan TP HCM cung cấp danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu để Cục Hải quan TP HCM đối chiếu với số lượng phế liệu nhập khẩu về cảng.
Nếu trùng khớp số liệu thì mời lên làm việc, giải quyết làm thủ tục nhận hàng, nếu không đủ diều kiện sẽ xử lý ngay nhằm nhanh chóng giải phóng tình trạng tồn đọng container phế liệu càng sớm càng tốt tại cảng Cát Lái.
Theo ông Hoàng Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế hàng tồn đọng có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên các cơ quan, ban ngành cùng nhau tháo gỡ.
Về lâu dài, phải có kiến nghị, báo cáo Thủ tướng rà soát tổng thể lại quy định liên quan. Nếu hàng nào ô nhiễm, nhóm hàng nào mà Trung Quốc đang từ chối nhập hay các nhóm liên quan vật liệu xây dựng đã qua sử dụng, chúng ta có thể tận dụng trong nước thay vì nhập khẩu.