Đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng: Lãng phí, không hợp lý!

Nguyễn Việt 05/07/2018 05:41

Nhiều chuyên gia lo ngại hiệu quả giảm ùn tắc từ đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng.

từ trước đến nay Hà Nội đã có rất nhiều đề xuất để làm giảm ùn tắc giao thông, nhưng giao thông chưa có dấu hiệu giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng thêm.

Từ trước đến nay Hà Nội đã có rất nhiều đề xuất để làm giảm ùn tắc giao thông, nhưng giao thông chưa có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng thêm.

Theo quan điểm của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đây là một đề xuất không hợp lý, cáp treo chỉ nên xây dựng ở những nơi có cảnh đẹp hay những địa điểm du lịch. Nếu xây dựng ở Hà Nội thì lưu lượng chở khách của cáp treo rất là nhỏ mà người tham gia giao thông lại quá đông, sợ rằng cáp treo sẽ bị quá tải.

“Nếu đưa vào hoạt động với tần suất liên tục 365 ngày trong một năm thì chi phí bảo dưỡng sẽ là rất lớn, gây tốn kém không cần thiết. Chưa kể đến việc xây dựng cáp treo sẽ gây ùn tắc ở hai đầu bến là trạm trung chuyển Long Biên và bến xe Gia Lâm”, ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để giảm thiểu ùn tắc giao thông thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, việc xây dựng tuyến cáp treo này sẽ gây lãng phí và chưa chắc đã giảm tải được tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cáp treo vượt sông Hồng: Đề xuất "lạ", doanh nghiệp "quen"

    06:15, 01/07/2018

  • Cáp treo vượt sông Hồng: Bài toán “giao thông” hay mục đích du lịch?

    05:28, 03/07/2018

TS Nguyễn Văn Nhuận, trường Đại học GTVT Hà Nội đánh giá, cáp treo chỉ hoạt động tốt với thời tiết nắng ráo, còn trời mưa to hoặc bão cáp treo phải dừng hoạt động, nằm im ở trạm trung chuyển. Trong khi đó, yếu tố để VTCC hấp dẫn khách đầu tiên là cung cấp dịch vụ đi lại ổn định, thường xuyên. Tuy nhiên, cáp treo lại không đáp ứng được.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, nếu dự án này đi vào thực hiện sẽ cần quỹ đất lớn. Hai khu vực điểm đầu và điểm cuối của dự án cáp treo sẽ phải giải tỏa, ngoài ra các nơi đặt trụ cáp treo cũng phải giải phóng mặt bằng.

“Những nơi có cáp treo đi qua cũng phải giải phóng mặt bằng vì tính an toàn. Không thể để một cabin nặng hàng tấn, chở theo nhiều người đi trên nhà dân, nếu có sự cố xảy ra thì hậu quả khó lường hoặc để cáp treo gần điện cao thế”, TS Thủy nói thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng đặt ra vấn đề độ tĩnh không tại khu vực xây dựng dự án cáp treo vượt sông Hồng mà Tập đoàn POMA đề xuất. Dự án gần sân bay quân sự Gia Lâm nên cần phải có ý kiến từ phía Bộ Quốc phòng.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy tỏ ra ái ngại vì một cabin nặng hàng tấn, chở theo nhiều người đi trên nhà dân, nếu có sự cố xảy ra thì hậu quả khó lường hoặc để cáp treo gần điện cao thế. Do đó, những nơi cáp treo đi qua phải giải phóng mặt bằng vì tính an toàn.

Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật Bản) phân tích, từ trước đến nay Hà Nội đã có rất nhiều đề xuất để làm giảm ùn tắc giao thông, nhưng giao thông chưa có dấu hiệu giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng thêm. Nếu doanh nghiệp đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng để giảm ùn tắc, thì phải đưa ra được ùn tắc ở chỗ nào? hiệu quả ra sao? Hay là chỉ để phục vụ lợi ích của họ. Hà Nội cần phải xem xét kỹ việc làm cáp treo này có nhắm tới phục vụ lợi ích chung của xã hội?

Hiện nay, hai đầu cầu Long Biên không quá ùn tắc, làm cáp treo không tốn diện tích nhưng lại cần đến sự kết nối từ các phương tiện khác, cần phải có thêm những bãi đất trống làm bãi trông giữ xe giữa hai đầu cáp treo thì sẽ rất phức tạp.

“Phương án làm cáp treo này, chỉ hợp với làm du lịch thôi không phù hợp với giải quyết giảm ùn tắc giao thông. Tôi cho rằng, làm cáp treo không hiệu quả, thậm chí còn làm ùn tắc thêm ở hai đầu cầu cáp treo”, TS. Đức cho biết.

Nguyễn Việt