[ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] Quan điểm các bên trước "giờ G"

Thy Hằng 09/07/2018 14:20

Chiều ngày 9/7, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên đàm phán mức lương tối thiểu năm 2019.

Phiên đàm phán lương tối thiểu vùng 2019 bắt đầu được tổ chức tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH

Phiên đàm phán lương tối thiểu vùng 2019 bắt đầu được tổ chức tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều chỉnh lương tối thiểu 2019 theo hướng nào?

    05:34, 01/07/2018

  • Lương tối thiểu “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp

    10:26, 08/05/2018

  • Những bất đồng xoay quanh tăng lương tối thiểu, giờ làm thêm

    11:15, 22/12/2017

  • Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018

    13:29, 12/12/2017

  • Lương tối thiểu, bỏ hay không bỏ?

    13:00, 10/10/2017

  • Nghịch lý lương tối thiểu tại Việt Nam

    13:52, 04/10/2017

  • Phải thay đổi cách tăng lương tối thiểu

    05:25, 15/09/2017

  • Mời đón đọc bài viết: "Phải thay đổi cách tăng lương tối thiểu"

    18:31, 14/09/2017

Trao đổi với DĐDN, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm qua mức lương tối thiểu vùng đã tăng nhanh so với chỉ số CPI và năng lực chi trả của doanh nghiệp.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người năm 2017 tăng 2,04 lần so với năm 2010 thì mức lương tối thiểu đã tăng đến 3,02 lần trong cùng khoảng thời gian như trên. “Do đó, VCCI kiến nghị không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, có chính sách đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Về phía đại diện người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã từ chối cho biết ý kiến trước khi bước vào phiên họp này. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí sáng ngày 9/7, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đại diện phía người lao động dự kiến đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 7,5 - 8% so với mức lương năm 2018 (tương đương 190.000 - 300.000 đồng/tháng).

Đề xuất này đưa ra dựa trên khảo sát về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018. Tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% tổng thu nhập của người lao động.

Trong khi đó, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mức tăng này là quá sức với doanh nghiệp. Chuyên gia nhận định mức tăng 5-6% là hợp lý. Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân, mức tăng lương năm 2019 chỉ 5 - 6%.

“Doanh nghiệp rất muốn tăng lương cho người lao động, nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu, không thể tăng lương cho người lao động. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không có điều kiện tăng nhiều, thì cũng nên tăng ở mức 5% đủ bù trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động”, ông Huân nhấn mạnh. 

Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, cũng cho rằng, mức tăng tối đa 6% có lẽ là phù hợp, bởi mức tăng lương phụ thuộc rất nhiều vào chỉ số GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mặt bằng tiền công hiện tại, điều kiện chi trả của doanh nghiệp...

Thy Hằng