Bốn kịch bản cho nền sản xuất Việt Nam trong “hệ sinh thái số”
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, trong “hệ sinh thái số”, có bốn kịch bản cho nền sản xuất, trong đó kịch bản phát triển sản phẩm công nghệ cho riêng mình là "giấc mơ" của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là thách thức chung của các quốc gia.
Thách thức về nguy cơ tụt hậu
“Thực tế cho thấy, thách thức ngày càng lớn với đất nước đang phát triển như Việt Nam. CMCN 4.0 mở ra cơ hội trong nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo sự thay đổi về quy mô và mô hình kinh doanh bền vững. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, nếu không thể bắt kịp, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp…”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Bình, cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để đảm bảo chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.
Báo cáo cụ thể tại Diễn đàn, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KH&CN đã cho biết, bức tranh tổng quan sự phát triển của CM CN4.0 trên thế giới chứng kiến sự dẫn đầu về công nghệ và chính sách triển khai của các nước Mỹ, Nhật Bản… “Nhóm dẫn đầu đã có sự liên kết, các quốc gia như Úc, Canada đã triển khai các khu triển lãm công nghệ. Với khối Asean, Thái Lan là nước đi đầu cũng đã cụ thể các chiến lược phát triển”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Trong khi đó, Việt Nam hiện top 40 thế giới về chỉ số ICT. “Trong 10 năm qua kinh tế số của Việt Nam đã phát tiển không ngừng cả về cơ sở hạ tầng và mặt bằng kinh doanh. Bức tranh chung chúng ta đang hướng tới là phát triển thông minh từ hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Đặc biệt, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, trong “hệ sinh thái số”, ba thị trường là CNTT, Viễn thông và Thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt bậc.
Cũng về những thách thức của Việt Nam trong hệ sinh thái công nghệ này, ông David Aikman - Trưởng Đại diện tại Trung Quốc, Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ bởi đây là phát triển bền vững.
“Cạnh tranh trong CMCN 4.0 mục tiêu là đặt cạnh tranh cho các nước trong thời đại công nghệ mới với những chỉ tiêu tiếp cận công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo… Việt Nam hiện tại đang đối mặt với cuộc cạnh tranh giá nhân công với các quốc gia Asean, như vậy rõ ràng Việt Nam cần cạnh tranh chất lượng nhân lực chứ không còn là dựa vào nhân công giá rẻ như trước đây”, ông David Aikman khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Robot công dân Sophia nói gì về 4.0 ở Việt Nam?
08:40, 13/07/2018
Xây dựng đề án, chương trình hành động về công nghiệp 4.0 của Việt Nam
06:08, 13/07/2018
Phải tạo sự khác biệt để nâng cao tốc độ phát triển từng ngành trong “môi trường 4.0”
21:26, 12/07/2018
Đồng thời, cũng cần chuẩn bị tốt hơn bởi hiện còn thiếu năng lực đào tạo trong chất lượng nhân lực, khoảng cách người lao động thành thị và nông thôn trong tương tác các nội dung từ cuộc cách mạng tương tác 4.0.
Doanh nghiệp là trọng tâm
Phân tích về phát triển công nghệ trong từng lĩnh vực, ông Chu Ngọc Anh cho biết, lĩnh vực nông nghiệp với nhiều chính sách thu hút, ưu đãi khi ứng dụng công nghệ đã giúp nhiều doanh nghiệp lớn xuất hiện như TH, Vinamilk, PAN…
Với lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng đánh giá, sản xuất thông minh đã đi vào thực tế. Đầu tư tiềm lực chung cho quốc gia như các khu công nghệ cao đã mở rộng theo xu hướng 4.0. Nhiều doanh nghiệp đầu đàn như Viettel, VinFast, Thaco…
“Với chính sách thu hút, doanh nghiệp đã có chuyển biến nhất định. Có 4 kịch bản cho sự phát triển của nền sản xuất trong CM CN 4.0. Kịch bản thứ nhất, nếu chỉ tăng cường đầu tư cao vào sản xuất mà không tiếp nhận công nghệ đúng mức thì cấu trúc sản xuất sẽ lạc hậu, sản xuất tụt hạng. Kịch bản 2, nếu chỉ tập trung tiếp cận công nghệ thì sẽ gặp vấn đề về người sử dụng. Đây là hai kịch bản chúng ta không mong muốn”, Bộ trưởng Chu Ngoc Anh cho biết.
Với kịch bản thứ ba, phát triển sản phẩm công nghệ cho riêng mình. "Đây là mục tiêu của tất cả các quốc gia. Nhưng nếu đặt ở bình diện quốc gia của Việt Nam thì đây có lẽ là “giấc mơ” bởi còn nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Còn với kịch bản thứ tư, hài hoà, tập trung phát triển truyền thống có ứng dụng công nghệ và bên cạnh đó phát triển sản phẩm của riêng mình. Phát triển kinh tế số và sản phẩm thông minh.
“Vấn đề là ưu tiên làm thế nào hài hoà sản xuất trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ thế giới, các doanh nghiệp đi đầu cần hỗ trợ gắn kết. Doanh nghiệp khoa học và doanh nghiệp starup cần nắm bắt phát triển sản phẩm mới của riêng mình. Với chủ trương doanh nghiệp là trung tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương chính sách lớn và chương trình hành động thúc đẩy sản xuất trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.