Hà Nội cứ mưa to là ngập, vì sao?

Lam Song 31/07/2018 20:00

Một trong những nguyên nhân gây ngập úng là do mật độ xây dựng của thành phố cao; ý thức một số người dân thấp, còn vứt rác bừa bãi, gây tắc nghẽn hệ thống cống, hố ga.

Phố Đào Duy Anh ngập nặng trong chiều muộn ngày 31/7.

Trận mưa như trút nước lúc tan tầm chiều nay (31/7) khiến cảnh ngập - tắc lại diễn ra trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.

Theo ghi nhận của DĐDN, cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn một giờ (từ 17h đến hơn 18h) ở Hà Nội khiến hàng loạt các tuyến phố như: Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, Hàng Bài, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Nại... chìm trong biển nước, gây ách tắc giao thông. Nhiều xe lưu thông trên phố bị chết máy hàng loạt.

Đến 18h30, tuy mưa đã ngớt, nhưng ở nhiều khu vực nội và ngoại thành Hà Nội, nước vẫn ngập sâu.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự báo thời tiết 31/7: Hà Nội tiếp tục mưa, ngoại thành ngập lụt kéo dài

    Dự báo thời tiết 31/7: Hà Nội tiếp tục mưa, ngoại thành ngập lụt kéo dài

    00:00, 31/07/2018

  • Sẽ có bao nhiêu cơn bão, áp thấp trong 6 tháng cuối năm?

    Sẽ có bao nhiêu cơn bão, áp thấp trong 6 tháng cuối năm?

    05:10, 18/07/2018

Thông tin về việc Hà Nội cứ mưa to là ngập tại cuộc họp giao ban Thành ủy mới đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, với lượng mưa từ 50mm đến 100mm, kéo dài trong 2 giờ, Hà Nội sẽ có 15 điểm bị ngập úng. Lượng mưa càng lớn thì các điểm ngập úng sẽ nhiều hơn và mức độ ngập lớn hơn.

Theo lý giải của ông Mỹ, một trong những nguyên nhân gây ngập úng là do mật độ xây dựng của TP cao; ý thức một số người dân thấp, còn vứt rác bừa bãi, gây tắc nghẽn hệ thống cống, hố ga.

Ngoài ra, các trạm bơm tiêu nước cho nội thành khi có mưa lớn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão cho biết thời tiết, thủy văn mùa mưa bão, lũ năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp.

Hiện tượng ENSO đang diễn ra trong pha lạnh, có xu hướng chuyển dần sang trung tính từ các tháng cuối mùa, biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng.

Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết bất thường có khả năng xuất hiện nhiều hơn, không theo quy luật và khó lường. Cần đề phòng bão mạnh, dông, tố, lốc, mưa đá và những trận mưa lớn diện rộng gây úng ngập cục bộ.

Ở vai trò của đơn vị dự báo thời tiết, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, hoạt động chủ yếu ở khu vực Bắc Biển Đông.

Trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta (trung bình nhiều năm phổ biến 5-6 cơn). Bão sẽ mạnh hơn vào cuối mùa. Dịp cuối năm, ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới đến khu vực vùng biển phía Nam sẽ không nhiều và mạnh như năm 2017.

Lam Song