Tiền lương sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường

Lam Song 10/08/2018 04:51

"Nhà nước sẽ dần hạn chế can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận của kinh tế thị trường".

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại về lao động và bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Có thể bạn quan tâm

  • Lương tối thiểu vùng: Xác định lại các yếu tố của nhu cầu sống tối thiểu

    14:30, 01/08/2018

  • [ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] Đề xuất của các bên chưa thể “gặp nhau”

    12:10, 26/07/2018

  • [ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] VCCI "chốt" mức đề xuất tăng 2%

    11:28, 26/07/2018

  • [ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] Phía doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ thay đổi đề xuất

    11:00, 26/07/2018

  • [ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] Vì sao khó “chốt” phương án điều chỉnh trong lần 2?

    09:00, 26/07/2018

  • Lương tối thiểu 2019: Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị giãn tiến độ điều chỉnh

    05:00, 26/07/2018

  • [Lương tối thiểu 2019] Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc: Gánh nặng chi phí lao động đến “đỉnh điểm”

    11:40, 20/07/2018

  • Hiệp hội dệt may kiến nghị trả lương tối thiểu về đúng chức năng

    05:30, 15/07/2018

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trao đổi tại Hội nghị đối thoại về lao động và bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp Hàn Quốc do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chiều 9/8.

Thứ trưởng cho biết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc đang sử dụng nguồn lao động Việt Nam lên tới 1 triệu người. Vì vậy, việc thường xuyên đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong đó, chủ các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới những chính sách sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… 

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, tiền lương dựa trên cơ sở thương lượng và thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động tới, quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương sẽ dần dần bị bãi bỏ.

“Nhà nước sẽ dần hạn chế can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp”, ông Diệp nói. “Quy định khoảng cách 5% giữa các bậc lương sẽ dần dần bị bãi bỏ. Tiền lương phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận của kinh tế thị trường.

Theo dự kiến, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 5/2019 và thông qua vào tháng 10/2019.

Vẫn theo ông Diệp, theo quy định hiện hành, tiền lương trong doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương phải ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.

Quy định này, theo nhiều doanh nghiệp, can thiệp vào quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của họ.

Do đó, trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động có đưa ra một số nội dung mới liên quan tới tiền lương.

Theo đó, tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội. Trong khi quy định hiện nay, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tại hội nghị đối thoại, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giới thiệu các chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu rõ các chính sách.

Hội nghị là dịp để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình áp dụng pháp luật để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, tranh chấp lao động, thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công…

Lam Song