Hợp long cầu “cánh chim”, mở rộng đô thị Hải Phòng về phía bắc
Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình khởi đầu cho việc di chuyển Trung tâm hành chính – chính trị thành phố Hải Phòng sang phía huyện Thủy Nguyên.
Chiều nay (14/8), UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức hợp long cầu vòm thép hình dáng cánh chim biển - Hoàng Văn Thụ. Đây là cây cầu thứ 3 nối liền nội thành Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên.
Cầu Hoàng Văn Thụ hoàn thành sẽ là bước tiền đề mở rộng đô thị Hải Phòng sang phía bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên), điển hình là Khu đô thị mới bắc sông Cấm. Đặc biệt đây là công trình khởi đầu cho việc di chuyển Trung tâm hành chính – chính trị thành phố Hải Phòng sang phía huyện Thủy Nguyên.
Theo thiết kế, cầu Hoàng Văn Thụ có chiều dài hơn 1,5km, bắc qua sông Cấm (đoạn gần phà Bính trước đây) thuộc phường Minh Khai (Q.Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên). Cầu có hình dáng “cánh chim biển”, là cầu vòm ống thép nhồi bê tông chạy giữa sơ đồ nhịp 45m+200m+45m, rộng 33,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Tìm cách nâng chỉ số PCI năm 2018 – 2019
01:29, 12/08/2018
Hải Phòng muốn chuyển đoạn Quốc lộ 5 đi qua nội đô thành đường địa phương
06:48, 11/08/2018
Hải Phòng không ngừng mở rộng không gian đô thị
00:00, 09/08/2018
Hải Phòng sắp có 5 khách sạn 5 sao để phát triển du lịch
06:18, 08/08/2018
Hải Phòng chú trọng giải quyết nhu cầu đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố
01:32, 08/08/2018
Tái xuất 05 container rác thải nhựa khỏi cảng Hải Phòng
11:00, 04/08/2018
Chiều nay, dự án đã tiến hành nâng nhịp vòm cầu chính (đốt vòm số 5), một trong những công đoạn cuối cùng cũng là công đoạn khó khăn nhất trong công tác hợp long vòm cầu chính. Bởi trọng lượng của đốt vòm này nặng khoảng 500 tấn, dài 87m, rộng 20,5m, chiều cao nâng gần 50m.
Để đảm bảo thi công hạng mục này, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cấm mọi hoạt động luồng sông Cấm liên tục trong 2 ngày (14 – 16/8) tại vị trí thi công cầu (về phía thượng lưu và hạ lưu 500m).
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT CIENCO1 cho biết, để giải quyết bài toán về lắp kết cấu vòm cầu chính của cầu Hoàng Văn Thụ, CIENCO1 đã lựa chọn giải pháp dùng hệ thống kích rút đặt trên hệ trụ tạm kết hợp với hệ thống nổi, hệ thống dây neo, lợi dụng thủy triều để đưa vòm cầu chính vào đúng vị trí.
"Với kinh nghiệm thi công các công trình với giải pháp tương tự như cầu Đông Trù - Hà Nội, cầu Ghềnh - Đồng Nai, chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành tốt công tác lắp và hợp long vòm cầu chính theo đúng tiến độ đề ra", ông Hòa nói.
Dự án xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ có tổng mức đầu tư khoảng 2.176 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thành phố Hải Phòng và các nguồn vốn khác do Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Cầu được khởi công xây dựng ngày 06/1/2017, dự kiến đầu năm 2019 sẽ hoàn thành.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, “Cầu Hoàng Văn Thụ không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về giao thông mà còn có ý nghĩa lớn, mở rộng sự phát triển đô thị thành phố. Đặc biệt, đây là công trình khởi đầu cho việc xây dựng để di chuyển Trung tâm hành chính – chính trị thành phố sang vị trí mới, có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn tạo nền tảng cho sự phát triển thành phố Hải Phòng trong tương lai”.