Sức ép tăng lương tối thiểu đè nặng doanh nghiệp
Sau kết quả của phiên đàm phán cuối cùng “chốt” điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 mức 5,3%, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó, doanh nghiệp đặc biệt lo ngại việc phát sinh chi phí.
Sau 3 phiên đàm phán căng thẳng, 100% Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức tăng 5,3%.
Có thể bạn quan tâm
Lương tối thiểu vùng 2019 "chốt" mức điều chỉnh tăng 5,3%
11:45, 13/08/2018
Lương tối thiểu vùng: Xác định lại các yếu tố của nhu cầu sống tối thiểu
14:30, 01/08/2018
VCCI đề xuất điều chỉnh tăng 2% lương tối thiểu vùng 2019
10:44, 27/07/2018
[ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] VCCI "chốt" mức đề xuất tăng 2%
11:28, 26/07/2018
[ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] Phía doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ thay đổi đề xuất
11:00, 26/07/2018
[ĐÀM PHÁN LƯƠNG TỐI THIỂU 2019] Vì sao khó “chốt” phương án điều chỉnh trong lần 2?
09:00, 26/07/2018
Lương tối thiểu 2019: Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị giãn tiến độ điều chỉnh
05:00, 26/07/2018
[Lương tối thiểu 2019] Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc: Gánh nặng chi phí lao động đến “đỉnh điểm”
11:40, 20/07/2018
“Lộ trình” tăng hàng năm
Theo phương án này, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3% so với năm 2018, như vậy mức lương tối thiểu vùng 1 là 4.180.000 đồng, tăng 200.000 đồng, vùng 2 là 3.710.000 đồng, tăng 180.000 đồng, vùng 3 là 3.250.000 đồng, tăng 160.000 đồng, vùng 4 là 2.920.000 đồng, tăng 160.000 đồng so với năm 2018.
Theo bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc văn phòng Giới sử dụng Lao động (VCCI), thành viên Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc tính toán của Bộ phận kỹ thuật đã cho thấy mức lương tối thiểu hiện đáp ứng được 92-93% nhu cầu sống tối thiểu.
“Do đó, để đảm bảo mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình, thì phương án tăng 5,3% được cho là hài hoà lợi ích giữa các bên. Mức này sẽ bù được trượt giá CPI dự kiến mức gần 4% và một phần còn lại giúp người lao động cải thiện đời sống”, bà Minh cho biết.
Trong khi phân tích của giới chuyên môn là vậy, nhưng phía doanh nghiệp lại lập tức bày tỏ lo ngại “gánh nặng” chi phí. Doanh nghiệp phản hồi, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh theo “lộ trình” tăng đều những năm gần đây, cụ thể tăng khá nhanh trong giai đoạn 2013-2016 (khoảng 13-15%) trước khi giảm xuống còn 7% (2017); 6,5% (2018) và nay là 5,3% (2019). Trong khi đó, năng suất lao động (NSLĐ) bình quân giai đoạn 2011- 2017 là 4,7%. Như vậy, việc nâng cao năng suất lao động chưa đuổi kịp việc tăng chi phí lao động.
Áp lực “kép” với doanh nghiệp
Nói như ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm, nhận định, các khoản chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị “đội” lên đáng kể. “Doanh nghiệp may sử dụng nhiều lao động. Khi tăng mức lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ phải tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Việc tăng lương tối thiểu liên tục như thế này sẽ là gánh nặng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động”, ông Trịnh cho biết.
Không riêng với May Hồ Gươm, đại diện cho doanh nghiệp trong ngành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ông Trương Văn Cẩm cũng cho biết, doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động nhưng chủ yếu vẫn đảm nhận khâu gia công như doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó khi áp dụng mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019.
Ngoài việc tăng lương tối thiểu, người lao động còn cần các yếu tố khác được cải thiện như chỗ ở, trường học cho con cái, điều kiện chăm sóc y tế...
“Giá đơn hàng doanh nghiệp đã ký kết không tăng nhưng chi phí đầu vào là vật liệu vẫn tăng do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nay lại cộng thêm chi phí lao động tăng do điều chỉnh lương tối thiểu sẽ là áp lực với doanh nghiệp, đàm phán lại đơn hàng thì không thể, bởi vậy sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt sẽ giảm”, ông Cẩm lý giải.
Được biết, với ngành dệt may, 5 năm trở lại đây, chi phí tiền lương đã tăng thêm từ 28 – 30%. Thêm vào đó giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất một số sản phẩm tăng thêm tới 46%. Trong khi đó, giá bán không được phép tăng vì phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác, thậm chí có khách hàng còn yêu cầu phải giảm giá thành mới tiếp tục thu mua. Điều này là áp lực “kép” với doanh nghiệp.
Điều này là có căn cứ, khi phân tích mới đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy: “Mức tăng lương tối thiểu quá nhanh và đều hàng năm tạo ra những quan ngại về sự xói mòn trong khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày”.
Theo kinh nghiệm quốc tế, lương tối thiểu chỉ nên bằng 40 đến 60% mức lương trung bình. Dư địa còn lại để thương lượng tiếp để tăng năng suất lao động, tăng cho việc tuân thủ luật lao động, lao động mẫn cán… để tăng thu nhập thực tế cho người lao động
Cùng với đó, nhiều phân tích cũng cho thấy, tăng lương tối thiểu đi kèm với tăng chi phí các khoản BHXH và quỹ… cũng khiến doanh nghiệp phải tính bài toán khoán sản phẩm hoặc cắt giảm lao động.
Như vậy, dù điều chỉnh tăng lương đảm bảo đời sống tối thiểu người lao động là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên “sức khoẻ” doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực tới một bộ phận khá lớn người lao động.