Xóa độc quyền sách giáo khoa

Sông Hàn 05/09/2018 15:22

Tiếng trống khai trường đã điểm thì việc thiếu sách giáo khoa đầu năm học 2018-2019 lại tiếp tục được cảnh báo.

Rõ ràng Nhà xuất bản giáo dục đã không vì nhu cầu học tập chính đáng của học sinh để lên một kế hoạch phục vụ hoàn hảo, cho dù họ một mình một sân, “làm tất ăn cả” từ biên soạn, in ấn đến phát hành. 

p/In sách giáo khoa tại Nhà máy in sách giáo khoa TP HCM - Nhà xuất bản Giáo dục

In sách giáo khoa tại Nhà máy in sách giáo khoa TP HCM - Nhà xuất bản Giáo dục

 Tổng kinh phí thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thônglà 80 triệu USD, trong đó có 77 triệu USD là vốn vay ODA ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) - Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khoản tiền này được chia cho 4 thành phần: hỗ trợ phát triển chương trình (khoảng 20%), hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới (khoảng 25%), hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông (gần 50%), và quản lý dự án (3%). Số còn lại được đưa vào chi phí dự phòng.

Bình luận về hiện tượng khan hiếm sách giáo khoa thời gian qua, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, NXB sách có lý giải rằng nhà sách in đủ nhưng do các nhà phát hành sách lo ngại năm sau sẽ còn không dùng bộ sách này nữa, nếu lấy dư số lượng quá nhiều năm sau cũng sẽ không bán được. Nhà phát hành sách đã không dự trù đúng số lượng học sinh của từng tỉnh một dẫn đến việc thiếu sách giáo khoa.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng dự Lễ khai giảng năm học mới tại huyện “cổng trời” Tây Nguyên

    12:25, 05/09/2018

  • Năm học mới và nỗi lo cũ!

    11:00, 05/09/2018

  • Khó mua như... sách giáo khoa

    05:12, 25/08/2018

  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tôi tin cải cách được sách giáo khoa”

    10:33, 06/06/2018

Những “hạt sạn” trong bát cơm trắng

Có thể nói, ngành giáo dục thời gian qua để lại dư âm không tốt, khi mà nhắm mắt lại người ta cũng kể ra được những “hạt sạn”: Chương trình giáo dục phổ thông mới, mưa điểm 10 trong kỳ thi THPT Quốc gia, điểm chuẩn ngành Sư phạm thấp, cải tiến chữ viết tiếng Việt… Và ngay lúc này là chuyện thừa – thiếu sách giáo khoa đầu năm học đang là vấn đề gây xôn xao dư luận. Hàng chục năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục được độc quyền trong mặt hàng “đặc biệt này”. Một mình một chợ, triệu triệu “thượng đế” tự tìm tới rút hầu bao mà chẳng thể cò kè chuyện đắt - rẻ, hay - dở...

Còn nhớ, Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014 nêu rõ: Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương ban hành năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có nêu các tổ chức, cá nhân có năng lực đều có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách nào sẽ do học sinh phụ huynh, giáo viên quyết định…

Trong khi chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa vẫn chưa trở thành hiện thực, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn được chỉ định độc quyền biên soạn, in ấn và phát hành sách còn phụ huynh buộc phải mua, mua với bất cứ giá nào thì câu chuyện thiếu sách nói trên không chỉ còn dừng lại ở vài lời giải thích, thanh minh nữa. Nó cho thấy, chỉ khi các nhà quản lý cởi mở, xóa bỏ tư duy độc quyền mặt hàng này thì những ì xèo về thiếu sách, chất lượng sách có thể chấm dứt.

  Hiện cả nước có gần 16 triệu học sinh phổ thông, bình quân, mỗi bộ sách giáo khoa có từ 7-10 cuốn. Như vậy, mỗi năm cần in đến 150 triệu bản sách giáo khoa. 

Người dân vốn đang rất mệt mỏi vì sự thay đổi nền giáo dục Việt Nam. Tâm lý học sinh không an tâm học do vài năm lại thay sách, đổi chương trình, cải cách thi cử, đánh giá chất lượng. Rồi chương trình nặng nên phải học thêm ngày đêm hay lùm xùm nâng điểm thi… Những điều ấy đang tạo gánh nặng cho phụ huynh, học sinh, tạo áp lực xã hội.

Bao giờ hết độc quyền?

Năm 2019, dự kiến học sinh cả nước sẽ được học bộ sách giáo khoa mới bắt đầu với lớp 1. Tuy nhiên, lần này đổi mới này sẽ có một chương trình nhưng với nhiều bộ sách giáo khoa. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn phổ thông cho rằng đây là một cách xóa bỏ cơ chế độc quyền trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Tuy nhiên đi cùng với đó là những lo ngại vì đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Điểm mới của lần này là công tác thí điểm sách giáo khoa sẽ được thực hiện song song cùng với giai đoạn viết sách. Theo đó, cuối tháng 8 năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thông qua. Sau đó các cá nhân, đơn vị có nhu cầu sẽ đăng ký tham gia viết sách dựa trên chương trình đã có.

Cần nói thêm là rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp,… không có mô hình một nhà xuất bản in sách giáo khoa cho cả nước. Thay vào đó có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân in sách, gửi cho các sở giáo dục và các sở sẽ quyết định cuốn sách nào phù hợp với học sinh của họ.

Hơn 30 năm Việt Nam đổi mới, hội nhập kinh tế và nỗ lực vận hành kinh tế thị trường thì một ngành không hề liên quan đến an ninh quốc gia, không hề nằm trong danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền thương mại (Nghị định 94/2017/NĐ-CP) cớ sao vẫn chưa thể xóa bỏ độc quyền?

Sông Hàn