Con người sẽ làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nền kinh tế, quốc gia nào tận dụng được trí tuệ nhân tạo (AI) một cách tối đa, nền kinh tế, quốc gia đó sẽ có sức cạnh tranh “khủng lồ”.
Đây là một trong những nội dung được Giáo sư Klaus Schwab - Người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết tại buổi họp báo trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 27 về ASEAN 2018 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
09:04, 11/09/2018
Doanh nghiệp là nhân tố quyết định xây dựng "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp"
09:38, 11/09/2018
Kinh doanh bao trùm, tương lai của ASEAN
17:22, 10/09/2018
WEF ASEAN 2018 nơi hội tụ các startup hàng đầu ASEAN
06:51, 10/09/2018
WEF ASEAN 2018: Cơ hội khẳng định ước mơ vươn lên tầm cao mới của Việt Nam
00:01, 10/09/2018
Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm của ASEAN
11:40, 09/09/2018
Cuộc cách mạng làm thay đổi cuộc sống của con người
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đúng thời điểm nền kinh tế thế giới đang ghi nhận những nguy cơ về chiến tranh thương mại, trong bối cảnh các nền kinh tế, thương mại đa phương, liệu có cần cách mạng công nghiệp 4.0 hay không?
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Klaus Schwab - Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Trước tiên WEF tin tưởng rằng cần thiết phải tập trung và nỗ lực để duy trì một hệ thống thương mại đa phương”.
Ngoài ra, những nền kinh tế nào có thể vận dụng được AI nghĩa là làm chủ được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế, quốc gia đó sẽ có lợi thế về sự động quyền của trí tuệ nhân tạo, điều này đồng nghĩa với lợi thế cạnh tranh lớn.
Đồng thời Chủ tịch WEF cũng nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 con người phải là trung tâm và việc ứng dụng các công nghệ là để phục vụ cuộc sống của con người.
Theo đó, ông Klaus Schwab cũng chỉ ra rằng, việc xuất hiện siêu máy tính di động trở nên phổ biến, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ thần kinh tăng cường chức năng cho não bộ và chỉnh sửa gen di truyền… đây là những bằng chứng về sự thay đổi chóng mặt này đang hiện hữu ở mọi nơi xung quanh chúng ta và xảy ra ở tốc độ ngày càng nhanh.
“Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này về cơ bản đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và kết nối với nhau”, ông Klaus Schwab nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch WEF, những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã giải phóng con người khỏi sức mạnh của loài vật, tạo ra sản xuất hàng loạt và mang lại sức mạnh kỹ thuật số cho hàng tỷ người. Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 này có sự khác biệt về bản chất.
Cách mạng 4.0 nằm trong tầm kiểm soát của con người?
Theo đó, với sự xuất hiện của hàng loạt công nghệ mới kết nối các thế giới vật chất, kỹ thuật số và sinh học, tác động đến tất cả mọi quy luật, nền kinh tế, ngành công nghiệp, và thậm chí thách thức cả định nghĩa về nhân loại.
“Kết quả là những thay đổi và đột phá báo hiệu chúng ta đang sống tại một thời điểm đầy hứa hẹn và rủi ro. Thế giới có tiềm năng kết nối hàng tỷ người với mạng lưới kỹ thuật số, cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các tổ chức, thậm chí quản lý tài sản theo cách có thể tái tạo môi trường tự nhiên và loại bỏ thiệt hại của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó”, giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh.
Bên cạnh những lợi thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tuy nhiên, ông Schwab cũng đưa ra những lo ngại, trong đó có thể kể đến các Chính phủ có khả năng không kịp thời tận dụng và quản lý các công nghệ mới để gặt hái lợi ích từ cuộc cách mạng này, hoặc sự chuyển dịch quyền lực sẽ tạo ra mối lo mới về bảo mật, đồng thời làm gia tăng bất bình đẳng và chia cắt xã hội.
Tuy nhiên giáo sư thể hiện niềm tin mạnh mẽ rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nằm trong tầm kiểm soát của tất cả chúng ta, miễn là chúng ta có khả năng cộng tác với nhau, vượt qua các khoảng cách địa lý, ngành và lĩnh vực, để nắm bắt các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại”.
Đặc biệt, Giáo sư Schwab kêu gọi các nhà lãnh đạo và người dân “cùng nhau định hình một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người bằng cách lấy con người làm trung tâm, trao quyền cho họ và không ngừng nhắc nhở chính mình rằng, tất cả những công nghệ mới này, trước hết và quan trọng nhất, là công cụ do con người tạo ra để phục vụ cho con người.”
Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiêp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN lần thứ 27 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9 năm 2018.
Diễn đàn sẽ mang đến các góc nhìn về tinh thần doanh nghiệp như một giải pháp tiềm năng để khai thác lợi ích, cũng như giải quyết các thách thức được đặt ra bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.