“Động lực” thúc đẩy GDP tăng cao
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ là “động lực” thúc đẩy GDP tăng cao.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt kết quả tương đối toàn diện, cả 3 khu vực sản xuất chủ yếu của nền kinh tế đều tăng so với năm 2016, đóng góp vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ là điểm sáng và là động lực chủ yếu thúc đẩy GDP tăng cao.
Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ là “động lực” thúc đẩy GDP tăng cao.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 đã nhận định: Năm 2017 là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đến nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp. Trong rất nhiều các thành tựu đạt được trong năm 2017, thành tựu nổi bật nhất của năm 2017 phải kể đến là chỉ tiêu tăng trưởng GDP ấn tượng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 tăng 6,81% so với năm 2016.
Trong đó, Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (công nghiệp tăng 7,85%, đóng góp 2,23 điểm phần trăm; xây dựng tăng 8,7%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm).
Trong khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu đóng góp vào mức tăng trưởng chung, bù đắp sự sụt giảm của ngành khai khoáng (ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-) 7,1%, làm mức tăng trưởng chung giảm 0,54 điểm phần trăm). Nếu ngành khai khoáng không giảm so với năm 2016 (tăng trưởng 0%), tốc độ tăng GDP có thể đạt 7,35%.
Khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tính theo giá hiện hành, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34% (giảm so với năm 2016 là 16,32%), khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 33,34% (tăng so với năm 2016 là 32,72%); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,33% (tăng so với năm 2016 là 40,92%).
Trong khu vực công nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm, giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành khai khoáng.
Cụ thể, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với GDP qua các năm: năm 2017 là 15,28%, năm 2016 là 14,27%, năm 2015 là 13,69%, năm 2014 là 13,18%, năm 2013 là 13,34%, năm 2012 là 13,28%.
Tỷ trọng ngành khai khoáng so với GDP qua các năm: năm 2017 là 7,47%, năm 2016 là 8,12%, năm 2015 là 9,61%, năm 2014 là 10,82%, năm 2013 là 11,01%, năm 2012 là 11,42%).
Có thể bạn quan tâm
McKinsey: Việt Nam thuộc 11 nước tăng trưởng vượt trội ở mức 5% trong 20 năm
11:16, 12/09/2018
Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm của ASEAN
11:40, 09/09/2018
Tăng trưởng sẽ ổn định hơn trong quý 3
11:32, 08/09/2018
Không chủ quan với tăng trưởng năm 2018
18:07, 30/08/2018
NCIF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý IV 6,56%, cả năm 6,83%
12:00, 08/08/2018
5 yếu tố tác động đến tăng trưởng Việt Nam trong những tháng cuối năm
05:15, 06/08/2018
Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định
17:47, 01/08/2018
Trước đó, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ngày 2/8 vừa qua, TS.Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chỉ đạo, cho rằng việc tái cơ cấu đạt được mục tiêu đặt ra thì có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025.
Ông Cung khuyến nghị, có thể tìm thêm động lực tăng trưởng mới ngay trong nội tại nền kinh tế như thúc đẩy 3 đầu tàu kinh tế là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng khi mà 3 đầu tàu này tăng trưởng thêm 1% thì nền kinh tế tăng trưởng thêm 0,5%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong bối cảnh chúng ta vừa giải quyết các bất cập, tồn tại cố hữu của nền kinh tế, vừa phải lo phát triển, với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt nhiều kết quả. Thể hiện rõ nhất là chất lượng tăng trưởng dần đi vào chiều sâu và tăng lên, năng suất lao động tăng, bội chi ngân sách giảm dần, nợ công trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiện vẫn còn tồn tại các bất cập, khó khăn, thách thức. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới. Giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh một số mô hình tốt của ngành nông nghiệp thì cơ cấu nội bộ ngành chưa rõ nét, bền vững.
"Tái cơ cấu nền kinh tế phải phát huy vai trò của nhà nước và cả thị trường. Thị trường phải có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lành mạnh hóa và đồng bộ, liên thông giữa các loại thị trường, doanh nghiệp phải thuận lợi trong gia nhập và rút khỏi thị trường", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải thuận lợi hơn trong mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản. Vai trò của pháp luật, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định. Phải làm rõ hơn vai trò định hướng, điều tiết, can thiệp của Nhà nước khi cần thiết; làm rõ hỗ trợ đầu tư chứ không chỉ hỗ trợ đầu vào trong tái cơ cấu và phát triển.
Về động lực để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng tái khẳng định vai trò thể chế, chính sách, pháp luật, "không có đòn bẩy này thì khó thành công". Bên cạnh đó là vai trò động lực của kinh tế tư nhân, của hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò động lực của khoa học, công nghệ, nền tảng là giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh chỉ đạo đồng bộ hệ thống, không để "tỉnh nào, người nào bị bỏ lại phía sau", thì phải tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển. Chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.