“Xóa sổ” Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương

Hằng Thy 19/09/2018 05:00

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Trạm thu phí Tào Xuyên bị người dân phản đối vì có mức phí đường bộ đắt gấp 1,5-2 lần các trạm BOT khác.

Trạm thu phí Tào Xuyên bị người dân phản đối vì có mức phí đường bộ đắt gấp 1,5-2 lần các trạm BOT khác.

Tính đến hết ngày 31/12/2017, số tiền thu phí sử dụng đường bộ năm 2017 nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 7.173 tỷ đồng, trung bình một ngày thu xấp xỉ 27 tỷ đồng.  

Phí chồng phí

Ông PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài Chính khẳng định phí duy tu, sửa chữa các tuyến đường tại Việt Nam đang rất cao, khoảng 3.000USD cho 1km đường bộ. Mức giá này cao bằng giá duy tu, sửa chữa 1km đường Châu Âu, mức giá trên cao gấp 3 lần Lào; cao gấp 1,5 lần Campuchia. Nhưng việc phân bổ vốn bảo trì đường bộ lại không đạt được hiệu quả như mong đợi.

“Việc phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ chưa được hiệu quả. Theo tính toán, mỗi ngày Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương thu được 30 tỷ đồng, Quỹ này giải ngân rất kém, có năm chỉ đạt 50-60%, trong khi đường giao thông sửa chậm, thì mức độ hỏng càng nặng”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, trước quan điểm đang có tình trạng “phí chồng phí” trong việc thu chi phí bảo trì đường bộ nhưng ông Cường lại cho rằng nếu nói rằng phí chồng phí thì… chưa đúng lắm. “Bởi việc thu phí trên đầu phương tiện nhằm sửa chữa các tuyến quốc lộ nhà nước. Còn các tuyến BOT là do doanh nghiệp tự bỏ tiền bỏ tiền đầu tư, bỏ tiền sửa chữa riêng. Vấn đề bức xúc ở đây nằm ở chỗ các điểm đặt trạm thu phí không hợp lý, làm đường một nơi, nhưng đặt trạm nơi khác để tận thu”, ông Cường lý giải.

Thêm vào đó, theo quan điểm của ông Cường hiện Quỹ bảo trì mới đáp ứng được 45% nhu cầu duy tu bảo trì đường bộ. Ngân sách của Bộ GTVT dành cho bảo trì cũng chỉ khoảng 10%. Trong khi, để sửa chữa duy tu 3.000 USD/km đường bộ phải cần đến 30-35% ngân sách mới đủ để đảm bảo đường vận hành.

“Chúng ta đang có câu chuyện khi mức chi dành cho sửa chữa chỉ từng đấy mà đơn giá lại cao thì một là, tăng thu để đảm bảo 100% đường được bảo dưỡng; hai là kiểm soát làm sao để mức giá làm đường hạ xuống bởi mức giá hiện tại đang cao gấp đôi các nước trong khu vực”, ông Cường cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng việc duy tu đường bộ yếu kém. Hiện nay, phí bảo trì đã thu trên đầu phương tiện nhưng lái xe tiếp tục mất phí khi đi ngay trên các tuyến đường nhà nước. Ví dụ như 2 trạm thu phí QL5 lại thu phí hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Điều này gây bức xúc rất lớn đối với các doanh nghiệp. Đó là phí chồng phí. “Mà doanh nghiệp vận tải họ đâu có chịu lỗ, họ sẽ tính vào giá vé, cuối cùng, chính những người dân sẽ gánh chịu”, ông Thanh nói.

Các chuyên gia cho rằng, việc thu trên đầu phương tiện như hiện nay là không hợp lý mà phải thu theo tác động của người sử dụng phương tiện. “Trong khi, thu phí bảo trì đường bộ theo xăng dầu lại chồng chéo lên phí bảo vệ môi trường hoặc xăng dầu không sử dụng cho đường bộ mà chạy tàu, chạy máy… Còn nếu, thu phí như hiện nay theo đầu phương tiện thì xe cá nhân đang “gánh” cho xe kinh doanh vận tải rất nhiều”, ông Cường phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ bảo trì đường bộ đang tạo bất công

    11:05, 31/08/2018

  • Bộ GTVT muốn “giải tán” Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ

    03:00, 15/08/2018

  • Bất cập thu – chi quỹ bảo trì đường bộ: Những bóc tách từ kiểm toán Nhà nước

    09:00, 29/01/2018

Chính thức "xóa sổ"

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về việc báo cáo xem xét giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ này.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 5/12/2012 quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2018.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án tổng thể về Quỹ bảo trì đường bộ, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, hồi giữa tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.

Theo Bộ GTVT, từ khi thành lập đến nay, điều hành quản lý Quỹ bảo trì đường bộ gồm có Hội đồng quản lý Quỹ và tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ là Văn phòng Quỹ.

Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật phí, lệ phí và Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu của Quỹ bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

Toàn bộ nhu cầu chi cho Quỹ bảo trì đường bộ đều do ngân sách Nhà nước cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.

Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây. Chính vì vậy, Bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giải thể Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ sau 5 năm hoạt động”. - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng GTVT khẳng định: "Việc giải thể sẽ không ảnh hưởng gì tới điều hành quản lý Quỹ bảo trì đường bộ vì sẽ có cơ chế quản lý mới theo Luật ngân sách".

Hằng Thy