Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi ngay từ biên giới

Lê Cường 01/10/2018 11:51

Trước những nguy cơ từ dịch tả lợn Châu Phi có thể xâm nhập vào nội địa, các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đang nỗ lực ngăn chặn thịt lợn từ Trung Quốc (nơi đang có các vùng dịch) vào nội tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi mới chỉ xuất hiện tại một số địa phương ở sâu trong lục địa Trung Quốc, chưa xuất hiện tại những tỉnh gần biên giới Việt Nam.

Ông Giang cho biết thêm, qua trao đổi, tìm hiểu cho thấy Trung Quốc kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tại các ổ dịch đã được phát hiện, sẽ tiêu hủy toàn bộ lợn, thức ăn chăn nuôi đang có, hỗ trợ người chăn nuôi 115 USD/đầu lợn. Đóng cửa các chợ, cơ sở giết mổ, ngừng toàn bộ hoạt động xuất, nhập lợn trong bán kính 3km xung quanh ổ dịch. Không cho phát triển tăng đàn lợn trong bán kính 10km xung quanh ổ dịch. Người vi phạm quy định có thể bị phạt 3-6 tháng tù giam.

“Tuy nhiên, Quảng Ninh không thể chủ quan với dịch bệnh này, trong những ngày qua thì lực lượng chức năng cuat tỉnh đã vào cuộc một cách quyết liệt nhằm phát hiện và loại trừ ngay từ biên giới các sản phẩm thịt lợn không đảm bảo”, ông Giang nhấn mạnh.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, tỉnh này đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế tại các vùng biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các chợ tập trung nhiều gia súc, gia cầm, chợ giáp biên. Lực lượng Biên phòng đã điều động gấp 2 lần về nhân lực so với trước đây để tập trung kiểm soát chặt tình hình nhập lậu lợn vào nội địa, nhất là các địa bàn biên giới, giáp biên. Các lực lượng chức năng khác như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Kiểm dịch thú y... cũng tăng cường cao độ cho nhiệm vụ này, chú trọng xử lý việc vận chuyển trái phép lợn nguyên con, thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn không rõ nguồn gốc. 

Ông Trần Xuân Đông - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh, cho biết, để ngăn chặn dịch tả lơn Châu phi vào Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng tại các khu vực biên giới, thì chính quyền các địa phương cần tăng cường rà soát, nắm rõ đối tượng chuyên làm nghề buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh và yêu cầu ký cam kết không thẩm lậu lợn từ Trung Quốc sang; khuyến cáo các hộ trong thời điểm hiện nay tạm thời giảm bớt số lượng hàng hóa kinh doanh.

“Đồng thời, trong quá trình mua bán, vận chuyển, giết mổ buộc phải có nhật ký để đối chứng truy xuất nguồn gốc; thậm chí đối với các lô hàng có số lượng lớn cần phải có xác nhận của chính quyền sở tại”, ông Đông nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng Quảng Ninh đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh Lê Cường

Lực lượng chức năng Quảng Ninh đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh Lê Cường

Có thể bạn quan tâm

  • Có hay không dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam?

    19:14, 28/09/2018

  • Dồn lực ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

    12:00, 14/09/2018

  • Tập trung ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam

    00:00, 12/09/2018

Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào tháng 8, đang lây lan rất nhanh và gần như chắc chắn sẽ xuất hiện ở các nước khác ở khu vực châu Á, bởi lẽ Trung Quốc sản xuất một nửa lượng thịt lợn của thế giới với tổng đàn lợn hiện tại khoảng 500 triệu con lợn.

Theo các chuyên gia của FAO, virus của dịch tả lợn hiện không có vaccine, không thể chữa nhưng không phải là nguy cơ trực tiếp đối với con người. Đây là một chủng độc lực cao, virus này sẽ khiến 100% số lợn bị nhiễm bệnh chết.

Tuy nhiên, virus dịch tả lợn châu Phi ít có khả năng lây lan qua việc vận chuyển động vật sống mà thông qua thịt lợn đã chế biến hoặc sản phẩm tươi. Virus này sống rất khỏe và có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc thịt muối, thức ăn chăn nuôi.

Virus này là mối đe dọa đối với sinh kế, nền kinh tế và cho toàn bộ ngành chăn nuôi và các chuỗi giá trị lien quan, do vậy các nước trong khu vực và xuyên quốc gia cần ứng phó với nguy cơ lớn này.

Lê Cường