Sẽ tiêu hủy các phương tiện, công cụ khai thác thủy sản trong vùng lõi di sản Hạ Long

Lê Cường 01/10/2018 16:00

Đó là khẳng định của ông Hồ Quang Huy - Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long về việc cấm đánh bắt, khai thác thủy sản tại vịnh Hạ Long.

Cũng theo ông Huy, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, tránh những tác động đánh bắt ảnh hưởng đến giá trị của của Hạ Long, ngày 14/9, UBND TP đã có Thông báo, bắt đầu từ 1/10 sẽ nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Cụ thể là toàn bộ khu vực vịnh Hạ Long có diện tích 434km2 đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, được giới hạn bởi các đảo: Đầu Gỗ về phía Tây, Đầu Bê về phía Nam và Cống Tây về phía Đông; được xác định trong tọa độ từ 20o43'24'' đến 20o56'12'' vĩ độ Bắc; từ 106o59'24'' đến 107o20'30'' kinh độ Đông.

Phía trong chỉ đỏ là khu vực nghiêm cấm đánh bắt thủy sản. Ảnh BQN

Phía trong chỉ đỏ là khu vực nghiêm cấm đánh bắt thủy sản. Ảnh BQN

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản

    Quảng Ninh: Nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản

    06:00, 21/09/2018

  • Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh cao nhất trong 6 năm gần đây

    Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh cao nhất trong 6 năm gần đây

    11:03, 01/10/2018

  • Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi ngay từ biên giới

    Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi ngay từ biên giới

    11:51, 01/10/2018

Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có sơ đồ xác định rõ phạm vi khu vực cấm đánh bắt. Theo sơ đồ này, toàn bộ khu vực được bao quanh bằng chỉ đỏ (như ảnh trên) thuộc vịnh Hạ Long là nằm trong khu vực cấm đánh bắt

“UBND TP Hạ Long đã giao cho các phòng, ban chức năng của thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt và gửi thông báo đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản trên vịnh Hạ Long. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện thông báo này. Nếu tổ chức, cá nhân nào không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, kể cả bị áp dụng biện pháp tịch thu, tiêu hủy đối với các phương tiện, ngư cụ, công cụ sử dụng để khai thác thủy sản tại các khu vực nêu trên”, ông Huy khẳng định.

Có thể thấy, đây là một động thái mạnh mẽ của chính quyền địa phương trước thực trạng nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Quảng Ninh đang có nguy cơ tận diệt bằng các hình thức đánh mìn, kích điện, lồng bát quái.

Theo ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, không ít ngư dân vì cái lợi trước mắt đã bất chấp, sử dụng kích điện công suất lớn để đánh bắt, trong khi đó, đây là phương pháp khai thác có mức độ tận diệt cao, làm chết tất cả các sinh vật mà dòng điện chạy qua, kể cả trứng, ấu trùng thủy sản hay các loại rong rêu, phù du vốn là thức ăn cho thủy sản.

Cũng theo ông Minh, ngoài kích điện, ngư dân còn sử dụng lồng bát quái liều lĩnh đánh bắt thủy sản trong vùng vịnh Hạ Long nhưng không lưu giữ lồng trên tàu mà chỉ vớt lên lấy thủy sản rồi lại đặt lồng lại các vị trí đáy biển. Ngoài ra còn sử dụng cào sắt để cào đáy bắt nhuyễn thể, song khi lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng cắt đứt dây bỏ lại cào dưới biển, chính bởi vậy công tác phát hiện, xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm này rất khó khăn.

“Giã cào hay lồng bát quái cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng, chủng loại và môi trường sống của các loại thủy sản không kém gì loại hình kích điện, trong đó lồng bát quái chặn đứng đường di chuyển của các sinh vật biển tầng đáy và giã cào phá hủy môi trường tầng đáy”, ông Minh nhấn mạnh

Trước nguy cơ tận diệt trên, thì giải pháp của thành phố Hạ Long được cho là động thái cứng rắn và hy vọng sẽ mang lại kết quả cao. Bên cạnh đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mới đây Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp, rà soát các vùng ven biển để phát hiện, thu giữ phương tiện, dụng cụ đánh bắt trái phép, đặc biệt là lồng bát quái ngư dân đặt chìm sẵn dưới nước. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng tăng cường công tác bám biển, ra quân xử lý các trường hợp vi phạm.

Lê Cường