Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và cuộc chiến giá - lương - tiền

Thy Hằng 02/10/2018 10:35

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có nhiều quyết sách táo bạo giải quyết lạm phát "phi mã" và tình hình bất ổn lương thực. Đồng thời, ông là người mở cửa cho kinh tế hàng hóa.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa từ trần hồi 23h12 ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa từ trần hồi 23h12 ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Quyết định lãi suất tiền gửi vô tiền khoáng hậu

Chia sẻ trên Vietnamfinance, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, quyết định áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13%/tháng của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là vô tiền khoáng hậu. Nếu không có quyết định táo bạo, sáng suốt đó thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu nữa.

Theo đó, bày tỏ lòng kính trọng một con người chân chính, hết lòng vì nước vì dân, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết: "Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo có những quyết sách đúng đắn đưa Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng, suy thoái và phát triển tốt hơn".

Sau Đại hội Đảng VI năm 1986, mặc dù đã có chủ trương đổi mới, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của nước ta diễn ra ngày càng nghiêm trọng, lạm phát phi mã, cả nước làm không đủ ăn. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười thành lập Tổ công tác chống lạm phát.

Được biết, vào thời điểm ông Đỗ Mười được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) vào năm 1988, lạm phát vẫn còn rất cao. Đến đầu năm 1989, lạm phát vẫn ở 9%/tháng và nếu đà tiếp diễn thì sẽ đạt 110% năm.

Từng có đến hơn 40 đề án chống lạm phát gửi đến ông Đỗ Mười từ rất nhiều cơ quan cả trong và ngoài nước. Thậm chí IMF đưa ra sáng kiến cho Việt Nam vay 2 tỷ đô la để chống lạm phát. Ông Đỗ Mười đọc hết nhưng chưa tán thành bất kỳ đề án nào.

Sau đó, quyết định vận dụng lý thuyết “lãi suất dương” (nghĩa là lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn tỷ lệ lạm phát) vào đầu năm 1988 với mức lãi suất tiền gửi 13%/tháng của Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười đã giúp “cơn sốt” giá cả về cơ bản được hạ nhiệt vào cuối năm 1988.

Cụ thể, ông Mại cho biết, Tổ công tác chống lạm phát đã kiến nghị lãi suất tiền gửi tháng 2/1988 là 13%/tháng; trong khi tỷ lệ lạm phát là 11%/tháng. Sau nhiều buổi tranh luận dân chủ, cân nhắc nhiều yêu tố tác động, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười chấp thuận kiến nghị đó.

Nói thêm, đây là giai đoạn Việt Nam còn nhờ Liên Xô (cũ) in tiền, tính tổng chi phí kể cả vận chuyển từ Mát-cơ-va về Hà Nội khoảng 5% tổng giá trị các mệnh giá tiền tệ. Do vậy, tưởng như lãi suất tiền gửi 13%/tháng là quá cao, nhưng thực tế đã tiết kiệm được 3% cho ngân sách nhà nước do không phải trả phí in thêm tiền ở nước ngoài.

Hơn thế nữa, TS Mại cho biết do hấp dẫn người dân nên tiền gửi tiết kiệm tăng lên rất nhanh, làm cho cơn sốt giá cả được giảm dần. Tháng 6/1988 Chính phủ quyết định giảm dần lãi suất tiền gửi xuống 9%/tháng, tháng 9 còn 5%/tháng đã xuất hiện tình trạng người dân rút tiền tiết kiệm. 

Để ứng phó kịp thời tình hình mới, gần như hàng ngày Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều gọi điện thoại cho TS Mại để nghe báo cáo diễn biến mới nhất tại thủ đô. 

UBND Hà Nội sau đó nhận thức được nguyên nhân chủ yếu là tâm lý người dân nên lệnh cho Ngân hàng thành phố bơm đủ tiền tại các Quỹ tiết kiệm để bảo đảm người dân thoải mái khi rút tiền. Chỉ 5 ngày sau mọi việc trở nên bình thường, người dân có lòng tin nên đã gửi tiền tiết kiệm trở lại. 

Cuối năm 1988 cơn sốt giá cả về cơ bản được hạ nhiệt. Cùng với thành quả ban đầu của Đổi mới và hội nhập, cuối năm 1990 cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội đã được khắc phục về cơ bản.

“Quyết định của Chủ tịch HĐBT áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13%/thàng là vô tiền khoáng hậu. Nếu không có quyết định táo bạo, sáng suốt đó thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu nữa. Đây là phẩm chất đáng quý của người đứng đầu Chính phủ”, GS.TSKH Nguyễn Mại viết.

Có thể bạn quan tâm

  • Hình ảnh về một số hoạt động nổi bật của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

    Hình ảnh về một số hoạt động nổi bật của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

    08:30, 02/10/2018

  • Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - Một trong những lãnh tụ đổi mới ở Việt Nam

    Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - Một trong những lãnh tụ đổi mới ở Việt Nam

    08:15, 02/10/2018

  • Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần

    Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần

    00:29, 02/10/2018

Mở cửa kinh tế hàng hoá

Là người từng tham gia nhóm tư vấn cho Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười về chống lạm phát, chia sẻ trên Vietnamnet, ông Võ Đại Lược cho biết thêm, ông Đỗ Mười từng phàn nàn mỗi năm phải in thêm 300 tỷ đồng để bù mua nông sản của nông dân với giá đắt rồi bán như cho không ở thành phố. Ông băn khoăn, điều này cũng gây lạm phát.

Hình ảnh xếp hàng tại các

Hình ảnh xếp hàng mua lương thực bằng tem phiếu tại cửa hàng mậu dịch giờ cao điểm.

Với ý kiến của ông Võ Đại Lược về việc “để nhân dân tự do mua bán lương thực, thực phẩm”, ông Đỗ Mười sau đó đã ban hành Chỉ thị cho dân tự do buôn bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thủ đô. Chẳng bao lâu, các chợ ở Hà Nội tràn ngập hàng hóa, Hà Nội dư thừa lương thực ngay lập tức và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng.

Ông Lược cho biết:"Sau Tết âm 1989, ông Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc. Nhờ đó, hệ thống tem phiếu cũng được bỏ đi."

Tiếp theo đó, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn đưa ra nhiều quyết sách liên quan đến chính sách mở cửa. Như yêu cầu Tổng Cục Hải quan bỏ luôn chế độ kiểm soát, không còn thuế má, bắt bớ. Giúp hàng hóa từ Liên Xô, Thái Lan đổ vào Việt Nam. “Khi ông Đỗ Mười cho tự do lưu thông hàng hóa, vấn đề thiếu lương thực mới thực sự được giải quyết”, ông Lược nhấn mạnh.

Hình ảnh phiếu lương thực, sau đó, hệ thống tem phiếu đã được bỏ đi

Hình ảnh phiếu lương thực, những tem phiếu này sau đó được bỏ đi sau Chỉ thị cho dân tự do buôn bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 1989.

Đầu năm 1989, ông Mười còn ký văn bản chỉ thị nhập khẩu 200.000 tấn lương thực nhưng đến giữa năm thì lương thực bắt đầu dư thừa, đến cuối năm Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực. Đó là năm đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực. Cuối năm 1989, dự trữ ngoại tệ vọt lên 200 triệu đô la từ 20 triệu đô la hồi đầu năm.

“Cuối năm ông Mười ngạc nhiên lắm, gọi tôi lên nói “Tôi hết sức bất ngờ. Tôi không phải in thêm tiền mà lại có thêm dự trữ”. Tôi đáp: “Đó là do ta thực hiện kinh tế hàng hóa để người dân và doanh nghiệp kinh doanh”, ông Võ Đại Lược chia sẻ.

Cuộc chống lạm phát như vậy là thành công. Mức lạm phát từ 9%/tháng tụt xuống còn 1-2%/tháng, thậm chí có tháng âm. Các tổ chức quốc tế đánh giá thành công của Việt Nam là kỳ diệu.

Thy Hằng