Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước: Hợp ý Đảng, lòng dân

Thy Hằng 06/10/2018 17:48

Việc 175/175 thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước được xem là hợp ý Đảng, lòng dân.

Thông tin tại họp báo chiều ngày 6/10, ông Phó Chánh Văn phòng Trung ương Lê Quang Vĩnh cho biết, tại Hội nghị Trung ương 8 việc biểu quyết chỉ có các uỷ viên Trung ương chính thức, còn uỷ viên Trung ương dự khuyết không tham gia biểu quyết.

175/175 Uỷ viên chính thức đồng tình

Ông Lê Quang Vĩnh tại họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII chiều ngày 6/10.

Ông Lê Quang Vĩnh tại họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII chiều ngày 6/10.

"Kết quả có 175/175 Uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tham dự (có mặt) Hội nghị Trung ương 8 đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Như vậy là Trung ương 100% giới thiệu và là thống nhất rất cao. Đồng chí Đinh Thế Huynh là uỷ viên Trung ương vắng mặt duy nhất tại hội nghị", ông Vĩnh nói.

Ông Lê Quang Vĩnh cho biết thêm, trong lịch sử đất nước, từ thời Bác Hồ đã có hàng chục năm Bác là Chủ tịch Đảng đồng thời làm Chủ tịch nước. Do đó, đã có truyền thống thì không có gì đáng ngại.

“Việc người đứng đầu Đảng cầm quyền đồng thời đứng đầu nhà nước là việc hết sức tự nhiên ở tất cả các nước, là tập quán chính trị và thông lệ trên thế giới. Chúng ta đã có sẵn định chế Chủ tịch Đảng đồng thời làm Chủ tịch nước, khi Bác Hồ ra đi thì điều kiện lịch sử chưa cho phép nên không được tiếp tục. Còn đây là vấn đề tự nhiên trong đời sống chính trị”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 3/10, Trung ương đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc ngày 22/10 tới đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhất thể hóa thiết chế nguyên thủ quốc gia

    05:00, 06/10/2018

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu làm Chủ tịch nước

    18:50, 03/10/2018

  • Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước

    15:00, 02/10/2018

Từng tồn tại hai cơ quan riêng biệt

Trước câu hỏi liệu có hợp nhất Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước? Ông Vĩnh cho biết, hiện nay 4 văn phòng gồm Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ có quy chế phối hợp rất chặt chẽ đảm bảo các công việc phục vụ cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

“Do đó, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch chỉ thuận lợi cho công việc tổ chức và vận hành chung", ông Vĩnh nói.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương cho biết thêm, từ thời Bác Hồ vẫn có hai cơ quan này riêng biệt trong hàng chục năm. 

Ông Vĩnh cho biết, Văn phòng Trung ương là cơ quan giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ hoạt động của Tổng Bí thư, các đồng chí ở Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng.

“Trong Văn phòng Trung ương còn có bộ phận rất quan trọng là Văn phòng Tổng Bí thư gồm các Trợ lý, Thư ký của Tổng Bí thư, chúng tôi tham mưu phục vụ cả Ban Chấp hành Trung ương”, ông Vĩnh cho biết thêm.

Còn Chủ tịch nước vừa là pháp nhân vừa là thể nhân. Văn phòng Chủ tịch nước theo đó Văn phòng là chế định trong bộ máy nhà nước, giúp việc cho Chủ tịch nước và cả các Phó chủ tịch nước.

Thy Hằng