Nhận diện "Việt Nam biển"

Nguyễn Việt thực hiện 12/10/2018 11:00

Việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước chính là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định với DĐDN.

Tuy nhiên, theo ông Hồi, do cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, nên Chiến lược biển Việt Nam vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, dưới góc độ một người nghiên cứu chính sách, chiến lược về biển theo ông, chiến lược biển Việt nam còn có những bất cập gì?

Dù đã có nghị quyết về Chiến lược biển đã dành vị trí riêng xứng đáng cho kinh tế biển nhưng phải khẳng định rằng, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế (đại dương), trong khi Đảng ta đã thừa nhận luận điểm của thời đại – “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” trong Chiến lược biển 2020. Hơn nữa, tình hình khai thác, sử dụng biển và đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển, đảo, gây lãng phí lớn tài nguyên biển.

Đáng nói và đáng lo nhất là đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành. Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển; chính sách và pháp luật về quản lý biển thiếu đồng bộ; trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế biển – động lực và nguồn lực

    01:00, 11/10/2018

  • Phát triển kinh tế biển: Cần lập bộ chuyên ngành

    17:13, 08/06/2016

  • 7 yêu cầu nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và hải đảo Việt Nam

    16:34, 08/06/2016

- Ông có nói tới cách thức quản lý “điền tư, ngư chung”, ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện này?

Biển Đông có điều đặc biệt là hiện diện một "cấu trúc nước sâu kiểu đại dương với độ sâu trung bình khoảng 2.500m, chiếm diện tích khoảng 60% tổng diện tích Biển Đông. Sự hiện diện của cấu trúc nước sâu này cho phép chúng ta nghĩ đến khả năng có băng cháy, bùn khoáng, năng lượng địa nhiệt và kết hạch đa kim... Riêng về triển vọng khoáng sản như vậy đã kích thích khát vọng của rất nhiều quốc gia.

Thế nên, vấn đề biển bây giờ là vấn đề lợi ích. Vị trí "ngã ba đường" của Biển Đông như thế, tài nguyên Biển Đông giàu có như thế, khiến cho khu vực này lâm vào cảnh tranh chấp kéo dài và nhiều bên. Cho nên, đòi hỏi phải được giải quyết theo cách tiếp cận đa phương, các nước phải có thiện chí, củng cố lòng tin và cùng nhau nhìn lại vấn đề một cách nghiêm túc.

- Ý ông nói rằng chúng ta cần tiếp cận lại khái niệm kinh tế biển?

Có những chương trình làm hàng chục năm, do nó có gắn chữ "biển" nên ta cứ gắn vào chương trình hành động thực hiện chiến lược biển mà thôi. Lẽ ra, ta phải xác định những hành động mới để làm rõ tư tưởng chiến lược mới này là ở điểm nào, và với chương trình đó ta giải quyết được điểm mới nào trong chiến lược, sản phẩm cụ thể của nó là gì và được đánh giá theo "bộ chỉ số" nào... Nói như vậy để thấy chúng ta nhận thức chưa đủ và chưa sâu sắc về tư tưởng của chiến lược.

Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam và phải trở thành yếu tố trọng yếu, không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân và trong việc lựa chọn con đường đi tới của dân tộc.

Đặc biệt, đối với biển ta phải có cái nhìn dài hơi. Suất đầu tư vào biển rất lớn, trong khi môi trường biển thì rất khắc nghiệt. Không thể ra biển với công nghệ "lẹt đẹt" được. Tiêu chí của thế giới là muốn thành cường quốc đại dương thì phải có công nghệ cao, hiện đại và bằng sức mạnh của công nghệ. Với công nghệ lạc hậu mà ra biển thì thế giới không ai thừa nhận, mà sự thực là anh chẳng thể khai thác được gì đáng kể từ biển. Ví dụ, Mỹ làm giàu từ nghề cá biển giải trí, Hàn Quốc có máy lọc Lithium từ nước biển để làm chất bán dẫn. Lọc được chất này từ nước biển thì không biết đến đời thủa nào mới hết, có thể coi là một nguồn tài nguyên "vĩnh cửu".
Nói như thế để khẳng định rằng mình mơ ước là đúng, có nguyện vọng chinh phục biển là chính đáng. Nhưng nếu không thực sự hiểu biết bản chất của nó thì tư duy, cách nhìn, lựa chọn phương thức tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề (đầu tư) đều sẽ vướng.

- Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Vậy theo quan điểm của ông, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Thực sự muốn trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển phải áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp biển, quản lý biển theo không gian với một “chùm” cơ chế chính sách liên ngành, liên vùng, liên vấn đề nói trên; phải thống nhất quản lý nhà nước về biển và đảo; trình độ khoa học - công nghệ áp dụng không chỉ trong điều tra, nghiên cứu biển mà còn trong khai thác, sử dụng biển phải tiên tiến, hiện đại ở đẳng cấp công nghệ quốc tế; khai thác, sử dụng không gian biển, đảo hiệu quả, có chọn lọc, tiết kiệm tài nguyên; đội hình ra biển phải được hiện đại hóa, không thể dắt đội quân “thuyền thúng ra biển” mà ngộ nhận mình là quốc gia mạnh từ biển được!

Và trong bối cảnh của Biển Đông phải giữ được môi trường hòa bình để có điều kiện phát triển kinh tế biển. Đồng thời cũng phải bảo đảm được nguồn vốn tự nhiên biển, bảo vệ được môi trường và tài nguyên biển – nền tảng cho pháp triển kinh tế biển bền vững. Muốn có công nghiệp đánh bắt hải sản thực sự hiệu quả thì phương tiện, phương pháp đánh bắt cũng phải khác. Hệ thống quản lý, thông tin liên lạc cũng phải khác.

- Nhưng nguồn lực của Việt Nam còn eo hẹp, thưa ông?

Nếu chỉ nhìn vào “hầu bao” của mình thì đó là giấc mơ nhưng chúng ta hoàn toàn có thể suy nghĩ để tận dụng lợi thế của “người đi sau”. Tự làm ra công nghệ thì rất lâu, rất tốn kém nhưng chúng ta có thể làm chủ được công nghệ thông qua hợp tác, hội nhập quốc tế thực sự và hiệu quả. Việt Nam hiện đã là quốc gia hội nhập quốc tế, đáp ứng khá tốt yêu cầu với tư cách là thành viên WTO, thành viên của Liên hiệp quốc, thành viên của UNCLOS 1982, và nhiều thiết chế quốc tế liên quan đến biển khác nữa… Ta tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách để sẵn sàng hội nhập quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực biển. Đảm bảo độc lập, chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông là yêu cầu tiên quyết nhưng như thế không có nghĩa là “đóng cửa biển”! Và tất nhiên không thể nói “mở” chung chung mà phải chỉ rõ trên quan điểm quản lý không gian biển là chỗ nào có thể làm gì, theo cơ chế nào.

Khi chính sách tạo ra được điểm hài hòa về lợi ích, chúng ta nhất định sẽ có những đối tác tốt, đối tác mạnh, giúp chúng ta làm giàu. Chúng ta cần những cơ chế chính sách tốt, khôn ngoan, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có chứ không phải chỉ dựa vào tiền. Ta có cả một vùng biển rộng với vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều giá trị ngoại hạng quốc gia và toàn cầu,… Phải thực sự hội nhập, giống như khi bạn đứng ngoài nhìn dòng giao thông đông đúc kia rất ngại nhưng khi hòa vào dòng lưu thông đó, ta cũng sẽ thông minh ra, tìm ra cách đi riêng. Mà lợi ích trên Biển Đông thì không chỉ của các nước bên bờ biển Đông!

- Xin hỏi ông câu cuối, vậy theo ông, để “giàu mạnh từ biển” như mục tiêu của Nghị quyết, Việt Nam cần gì?

Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc tổ chức lại lãnh thổ ven biển để biến nơi đây thành vùng “kinh tế động lực”, kết nối với không gian kinh tế biển, không gian kinh tế đảo, không gian kinh tế nội địa và không gian đại dương.

Cho nên, việc tập trung vào đa dạng hóa và kết nối các loại hình phát triển theo vùng tự nhiên - sinh thái ven biển khác nhau là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Trong đó, cần chú trọng và sớm xây dựng “chuỗi đô thị ven biển”và “chuỗi đô thị đảo” để đối trọng và tạo lợi thế cạnh tranh về lợi ích với các chiến lược kết nối kinh tế xuyên đại dương của các nước lớn qua khu vực Biển Đông. Trong phát triển kinh tế - xã hội biển, cần chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị từng bước điều kiện để vươn khơi, vươn ra đại dương.

Trong bối cảnh thế giới tiến ra biển và đại dương ở Thế kỷ 21 với các chiến lược biển quốc gia đầy kỳ vọng, và trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền”, thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước như vậy chính là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện